(Hình Phước Liên sưu tầm,biên dịch và chú giải)
Trần Thánh Đại Vương Chính Kinh Văn là bổn Kinh thường tụng của các đệ tử theo tín ngưỡng Đức Thánh Trần.Ở Nha Trang, Khánh Hòa cũng vậy, Trần Thánh Đại Vương Chính Kinh Văn thậm chí đã trở thành kinh nhật tụng của nhiều thiện nam tín nữ.
Gọi Chính Kinh Văn là bởi vì đây là bản kinh văn chính thức đề ra con đường chủ yếu để chúng đệ tử noi theo mà hành tập, sửa mình. Gọi là Kinh Văn bởi vì những điều trong ấy chỉ là văn bản ghi lại lời dạy của Đức Thánh Trần đối với các đệ tử của mình; không triết lý cao vời, không sâu xa ảo diệu như các bộ kinh của Tam giáo mà thiết thân gần gũi như lời cha dạy con, ông dạy cháu nhưng vẫn hàm chứa tất cả tư tưởng cơ bản nhất của mạch nguồn Tam giáo. Cho nên không gọi là Kinh mà định danh là Kinh Văn là đức khiêm cung đã được đề ra ngay từ tên gọi vậy !
Trần Thánh Đại Vương Chính Kinh Văn bao gồm :
- Trần Thánh Đại Vương bửu cáo : Được viết dưới dạng một bài phú ngắn trong đó ghi lại tiểu sử khái quát của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và danh hiệu của Ngài được sắc phong khi hiển Thánh.
- Khai kinh kệ : Bài Kệ khai kinh được viết ở thể thất ngôn tứ tuyệt. Nội dung bài kệ nói về tác dụng của kinh văn đối với chúng đệ tử khi thành tâm tụng niệm.
- Trần Thánh Đại Vương Chính Kinh Văn : Là bản "Ngọc chỉ giáng văn huấn thế" của Đức Thánh Trần, tương truyền được Phạm Điện Soái Tướng Quân tuân mệnh Ngài giáng bút chép lại tại buổi cung nghinh Thánh giá (lên đồng) ở vọng từ Hà Lạc.
Trần Thánh Đại Vương Chính Kinh Văn gồm 365 từ ứng với số Chu Thiên và chia làm 7 tiết :
- Tiết 1 : Khái quát cuộc đời và công đức của Đức Thánh Trần Hưng Đạo.
- Tiết 2 : Nêu lý do và mục đích của kinh văn.
- Tiết 3 : Nêu rõ hoàn cảnh ra đời của kinh văn.
- Tiết 4 : Khái quát nội dung tư tưởng chủ đạo của Kinh Văn là Trung và Hiếu qua đó khuyến dụ mọi người biết tu dưỡng và hành động sao cho trọn đạo ngũ luân, hành thiện tích phước, tạo âm đức cho đời sau.
- Tiết 5 : Khái quát về những hậu quả cho những ai làm trái lại đạo trung hiếu, vi phạm ngũ luân.
- Tiết 6 : Tiếp tục khuyên răn cặn kẻ để chúng đệ tử phải quyết tâm cải ác tùng thiện, và đưa ra những lời dạy cụ thể cho chúng đệ tử có thể làm việc thiện một cách có hệ thống, tránh sa vào cảnh nghịch lý.
- Tiết 7 : Khẳng định lại những lời dạy trên của Thánh (từ tiết 4 đến tiết 6) và khuyến khích chúng đệ tử vui lòng làm theo.
Tóm lại, nội dung chủ đạo của Trần Thánh Đại Vương Chính Kinh Văn được thể hiện trong 365 từ cô đúc, có thể gộp lại và mỗi hai từ Trung Hiếu. Trung Hiếu là gốc của ngũ luân; là nguồn ngũ thường; là lẽ hằng để con người ta dựa vào mà ứng xử với tự nhiên, xã hội và cả với Thánh Thần. Đấy cũng là toàn bộ cuộc đời đầy nhân văn và hiển hách của Tướng Quân Trần Quốc Tuấn đối với đất nước, nhân dân và với tông tộc nhà Trần. Chính vì lẽ ấy mà sau khi Người mất, nhân dân đã tôn Ngài lên hàng Thánh để cùng sống mãi với non sông đất Việt. Trần Thánh Đại Vương Chính Kinh Văn cũng chính là tấm lòng của Người và Đạo của Đức Thánh Trần chính là đạo của Hiếu Trung vậy !
Ngoài ra, trong hệ thống kinh văn của tục thờ Trần Hưng Đạo ở nước ta và Nha Trang, Khánh Hòa còn một số các Bửu cáo về Đệ Nhất Vương Cô - Quyên Thanh Công Chúa, bửu cáo Đệ Nhị Vương Cô - Thủy Tiên Công Chúa, bửu cáo Khải Thánh Vương Phụ, Khải Thánh Vương Mẫu, bửu cáo Phạm Điện Soái và bài Ngũ Phương Hổ Thần Quan Tán... cũng được các đệ tử của Người tụng vào các ngày kỵ, ngày sinh của các bậc tôn hiền ấy. Trong đó bài Ngũ Phương Hổ Thần Quan Tán và bửu cáo Phạm Điện Soái được sử dụng chung với Trần Thánh Đại Vương Chính Kinh Văn.
Về nghi thức tụng niệm Kinh Thánh Trần ở Nha Trang, Khánh Hòa cũng không khác nhiều so với tụng kinh của phật tử. Người tụng kinh có thể quỳ hoặc đứng và không được phép ngồi. Có thể tụng lớn hoặc tụng nhỏ, song điều cốt yếu là phải đọc thật rõ ràng từng câu, từng chữ trong kinh văn và quan trọng nhất là phải chú tâm, miệng đọc lòng suy hầu đạt đến sự "Hữu thành tất ứng, hữu cảm tất thông".
Với những gì mà Kinh văn Đức Thánh Trần răn dạy, có lẽ không chỉ dành riêng cho những đệ tử của Người mà nó mãi mãi là điều mà bất cứ ai cũng cần để tâm và hướng đến.
Sau đây, xin ghi lại toàn văn Trần thánh Đại Vương Chính Kinh Văn do chúng tôi sưu tầm được tại Đền Trần hưng Đạo Nha Trang và tại Đền Trần Hưng Đạo Thành phố Hồ Chí Minh. Phần chú giải xin phép dịch thật sát nghĩa với nguyên văn và vì lòng yêu mến bộ kinh văn này chúng tôi xin được phép viết lại theo lối diễn ca để nếu có thể sẽ giúp cho mọi người dễ hiểu hơn về bản Kinh văn này.
TRẦN THÁNH ĐẠI VƯƠNG BỬU CÁO
Chí tâm quy mệnh lễ
Đông A đế trụ
Nam Đảo Tiên tung
Phò quốc cứu dân, đẳng huân công vu Thiên Địa ;
Sừ gian thảo loạn, phấn uy vũ vu Bắc Nam.
Nhất thân gia quốc chi hoài, ân ưu Khải Thánh ;
Vạn cổ đan thanh nhất bức, trác quán Tôn thần.
Thạnh đức văn ư Đại Bang, thiên thư quả định ;
Dư linh trấn hồ Việt Điện, quỷ tuý tiềm hình.
Võ tước gia phong,
Thiên cung thống nhiếp hồ văn thân chi địa ;
Lộc tịch thế chưởng,
Nhân giới hà sa hồ hóa dục chi phương.
Cửu Thiên Võ Đế, Nhân Võ Hưng Đạo Đại Vương,
Trần Triều Hiển Thánh Thiên Tôn.
Dịch nghĩa :
BỬU CÁO CỦA TRẦN THÁNH ĐẠI VƯƠNG
(Dốc lòng theo mạng lễ)
Trụ cột của Đông A
Giống Tiên vùng Nam Đảo.
Giúp nước cứu dân, công lao sánh cùng Trời Đất ;
Trừ gian dẹp loạn, uy vũ lừng cõi Bắc Nam.
Một thân hai nỗi nước nhà, lo lắng nặng lòng Khải Thánh ;
Muôn thưở lưu danh sử sách, vẻ vang bậc nhất Tôn Thần.
Thạnh đức rền khắp Đại Bang, sách Trời định rõ ;
Dư linh trấn yên Việt Điện, lũ quỷ trốn hình.
Phong tước Võ Thần,
Chốn thiên đình thống lĩnh xứ văn thân (1);
Giữ quyền Lộc tịch,
Cõi dương thế duổi rong miền hóa dục (2).
Cửu Thiên Vũ Đế, Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương,
Trần Triều Hiển Thánh Thiên Tôn.
Chú thích :
(1) Xứ văn thân : Xứ sở có tục lệ xăm mình, nhằm chỉ vùng đất Giao Chỉ ngày xưa.
(2) Miền hóa dục : Hóa dục tức là sản sinh nên những bậc hiền tài. Bắt nguồn từ thành ngữ cổ "Chung linh dục tú" - có nghĩa là hoàn cảnh tú mỹ sẽ sinh ra con người tú mỹ.
KHAI KINH KỆ
Tụng đắc chân kinh độ thế nhân
Toàn gia khang cát hưởng trường xuân
Phàm tâm nhược thức thần thông pháp
Nhất thiết tai ương tận hóa trần.
Dịch nghĩa :
Tụng được kinh này độ thế nhân
Toàn gia an hưởng phước trường xuân
Tâm phàm nếu hiểu thông lời Thánh
Thì mọi tai ương hóa bụi trần.
TRẦN THÁNH ĐẠI VƯƠNG CHÍNH KINH VĂN
1.
Thánh tích tại Trần thời,
Khâm mông Ngọc chỉ giáng thế.
Phù quốc cứu dân, duy Trung duy Hiếu,
Huân thành quả mãn tái phụng hồi chứng Thần vị.
Sắc phong Cửu Thiên Võ Đế, trấn trị Nam phương,
Hiển linh chấn uy, khâm sai văn võ bộ quan.
Thượng tuân Thánh lệnh, hạ độ nhân gian.
Dịch nghĩa :
Đức Thánh phát tích từ thời Trần,
Vâng mệnh của Ngọc Hoàng Thượng Đế mà giáng thế.
Giúp nước cứu dân, một lòng Trung Hiếu,
Đến khi công thành quả mãn lại phụng mệnh trở về thần vị.
Được sắc phong Cửu Thiên Võ Đế, trấn giữ cai trị Phương Nam.
Uy vũ, anh linh hiển ứng, cai quản bộ hạ văn quan, võ tướng.
Trên vâng theo Thánh lệnh, dưới tế độ nhân gian.
2.
Tư sát chi hạ giới chúng đệ tử đẳng :
Thân tuy đầu thành nhi tâm bất nội tỉnh,
Sở dĩ cầu chi hữu ứng, ứng chi bất cửu,
Chung luân tịch mịch,
Thế đạo nhân tâm khả thắng tích tai !
Dịch nghĩa :
Nay xét thấy chúng đệ tử ở miền hạ giới,
Thân tuy đầu mộ thành tín mà tâm vẫn không có được sự phản tĩnh.
Cho nên, dầu có lúc cầu lúc ứng mà sự ứng không được lâu dài,
Cuối cùng vẫn chìm vào trong tịch mịch,
Thế đạo nhân tâm như vậy, thật là tiếc lắm thay !
3.
Thánh kim cứ Phạm Điện Soái Tướng Quân,cung nghinh Thần giá quang lâm Hà Lạc vọng từ, giáng bút thành Kinh dĩ huấn thế viết :
Dịch nghĩa :
Nay ta dựa vào Phạm Điện Soái Tướng Quân (Tướng quân Phạm Ngũ Lão), cung nghinh Thần giá đến đền thờ vọng tại Hà Lạc và giáng bút chép thành bản Kinh văn này để dạy đời rằng :
4.
Nhân sinh thiên địa gian,
Yếu đương tác Thánh hiền sự nghiệp.
Sự nghiệp giả hà ? Trung hiếu nhi dĩ !
Trung hiếu ngũ luân chi thủ, khuyết nhất bất khả.
Nhĩ đẳng đương tư :
Vi tử như hà khắc hiếu ?
Vi thần như hà khắc trung ?
Huynh đệ như hà khắc hòa ?
Phu phụ như hà khắc kính ?
Bằng hữu như hà khắc tín ?
Thượng tắc kính thiên thần, sự tổ tiên ;
Hạ tắc độ âm hồn, hành âm chất.
Như thử vi nhân, thứ hồ tận đạo.
Dịch nghĩa :
Người sinh ra trong trời đất
Phải biết làm theo sự nghiệp của các bậc Thánh hiền.
Vậy sự nghiệp ấy là gì ? Đó chính là Trung Hiếu vậy !
Trung hiếu là gốc của ngũ luân, không thể thiếu điều nào cả.
Các ngươi phải suy nghĩ :
Là con người phải làm thế nào mới đạt được chữ Hiếu ?
Là tôi phải làm thế nào mới đạt được chữ Trung ?
Anh em phải đối xử ra sao mới đạt được chữ Hòa ?
Vợ chồng phải sống sao mới đạt được chữ Kính ?
Bạn bè đối xử ra sao mới đạt được chữ Tín ?
Trên thì phải biết kính trọng Thánh Thần, phụng thờ Tiên tổ,
Dưới thì phải gắng siêu độ các vong hồn, tạo nhiều âm đức.
Như vậy là đạt được chữ Nhân và đã đi đến tận cùng Đạo vậy !
5.
Bất nhiên :
Sinh ly vương pháp, tử thọ thiên khiển,
Vĩnh ly nhân loại, bất do nhân đạo.
Ai tai !
Dịch nghĩa :
Nếu chẳng làm được như vậy thì khác nào :
Sống không tròn với phép vua, khi chết đi lại chịu sự khiển trách của Trời.
Vĩnh viễn phải xa rời loài người và không còn nhân đạo nữa.
Thương lắm thay !
6.
Nhĩ đẳng ký đầu vi Thánh đệ tử, tảo tảo hồi đầu,
Phụng hành chúng thiện, năng khử chư ác,
Thủ đốn ngũ luân, thứ hành âm chất
Tửu sắc, tài khí, nghiêm nhi tuyệt chi !
Kiêu lận, tham ô, cấm nhi giới chi !
Hành Thánh nhân nghĩa, bất tuất nhân ngôn,
Thủ Thánh Trung Hiếu, bất phản tục niệm.
Xử gia đình dĩ chất phác, di tử tôn dĩ trung hậu.
Sĩ nông công thương, các hữu thường nghiệp,
Bất luân du bạc, hàm quy hậu đức.
Dịch nghĩa :
Các người đã gửi thân vào làm đệ tử Thánh, thì mau chóng quay đầu,
Dốc lòng làm nhiều việc thiện, hủy bỏ điều ác.
Trước là giữ đạo ngũ luân, sau phải chăm làm âm đức.
Rượu chè, sắc dục, cờ bạc phải nghiêm túc rời xa !
Kiêu căng, biển lận, tham ô phải tự mình cấm giới.
Hãy làm điều nhân nghĩa như lời Thánh dạy, bỏ ngoài tai lời lẽ thị phi,
Giữ cho trọn hiếu trung, chớ để lòng quay về tục niệm.
Lấy sự chất phác mà xử sự trong gia đình ;
Lấy đức trung hậu mà lưu truyền cho con cháu.
Sĩ nông công thương, mỗi nghề đều có riêng thường nghiệp.
Cốt sao đừng đắm chìm vào thói xấu ắt sẽ hưởng được phúc dày.
7.
Tự nhiên, Thần khâm quỷ phạ, tai khứ phước lai,
Bất tất độc kỳ Thánh Thần, nhi thiên tường vân tập, vạn phước biền trăn.
Khởi bất lạc tai ! Nhĩ đẳng miễn nhi hành chi !
...
Thảng vi Thánh huấn, vật tụng Thánh Kinh.
Lẫm chi !
Dịch nghĩa :
Tự nhiên, Thần kiêng quỷ sợ, tai qua phước đến.
Chẳng cần phải đọc Kinh cầu khẩn Thánh Thần mà ngàn điều lành như mây về tụ hội, muôn điều phước cứ theo xe song mã đến tìm.
Thế chẳng phải là vui sướng lắm sao ! Các ngươi gắng mà làm theo vậy !
...
Còn như trái lời Thánh dạy, thì đừng tụng Kinh Thánh.
Phải tuân kỉnh lấy đó !
bác ơi ! trong bác còn nhiều văn khoa kinh sách liên quan đến việc thờ đức Thánh ko ạ ? con đang muốn xin bác các bài Bửu Cáo của chư vị vương phi, vương tử, vương tế,vương nữ đểsớm hoàn thành A Sào khánh hạ khoa dùng để tế tự đức Thánh ở đền A Sào - Thái Bình cho đúng dịp đản tiệc 10/12 ạ ! bác còn lưu tồn các bản thì cho con xin sớm vào mail ạ ! mail con là cuu.kho.do.me@gmail.com a.con cám ơn bác nhiều ạ !
Trả lờiXóa