ĐỀN THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN-HƯNG-ĐẠO 124 Đường Nguyễn-Trãi Nha-Trang.

ĐỀN THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN-HƯNG-ĐẠO 124 Đường Nguyễn-Trãi Nha-Trang.
ĐỀN THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN HƯNG-ĐẠO ĐẠI-VƯƠNG - Số 124 Đường Nguyễn-Trãi, Thành Phố Nha-Trang.

Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

LỄ KỶ NIỆM 785 NĂM NGÀY SINH ĐỨC HƯNG ĐẠO ĐẠI VƯƠNG

Vào sáng ngày mùng 10 tháng Chạp năm Nhâm Thìn (tức ngày 21/01/2013), Ban quản lý Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Đền Thờ Đức Trần Hưng Đạo, số 124 đường Nguyễn Trãi, Thành phố Nha Trang đã tổ chức lễ hội kỷ niệm 785 năm ngày sinh của Đức Hưng Đạo Đại Vương (1228-2013). Ban quản lý tụng Kinh Thánh Trần cầu quốc thái dân an, Ban Nam quan, Nữ quan tế lễ cổ truyền. Về tham dự lễ hội có đại diện các cấp chính quyền, đoàn thể Tỉnh Khánh Hòa, Thành phố Nha Trang, Phường Phước Tân, Học Viện Hải Quân, Hội Đồng Hương Nam Định tại Thành phố Nha Trang, cùng quý vị hội viên, tín hữu, nhân dân Nha Trang dâng hương tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc chống giặc Nguyên Mông thế kỷ 13. 
          Trước đó, chiều ngày mùng 09 tháng Chạp năm Nhâm Thìn (20/01/2013) Ban quản lý đã đến dâng hương tại Tượng Đài và Đền Thờ Đức Thánh Trần trong Công viên Bạch Đằng đường Trần Phú, Nha Trang./-

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Lạ lùng chú chuột chắp tay lạy Phật lia lịa !!!

Chú chuột không màng quan tâm đến những gì đang diễn ra xung quanh mình mà chỉ “hướng về cửa Phật” và… chắp tay vái lạy lia lịa như muốn sám hối một điều gì!

Mới đây, tại Thiền viện Trúc lâm Giác Tâm (hay còn gọi là chùa Cái Bầu, thuộc xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) bỗng xuất hiện một chú chuột nhắt kỳ lạ không biết từ đâu đến rồi chạy vào sân chùa, đứng thẳng người trên hai chân sau, hướng mặt vào cửa nhà chùa và chắp tay vái lạy Phật lia lịa.
 
Những người chứng kiến sự việc không khỏi ngạc nhiên và “ngưỡng mộ” hành động quái lạ nhưng cũng khá thú vị của chú chuột “đắc đạo” này. Người ta thử lấy một quả táo đặt bên cạnh, nhưng chú chuột vẫn “đoạn tuyệt” và “nói không với táo” mà chỉ biết chắp tay vái lạy liên tục.

Theo một số người cho biết, chú chuột kỳ lạ này rất dạn, không biết sợ như những con chuột bình thường khác. Khi có người, chó, thậm chí cả mèo đến gần nhưng chú vẫn tỏ ra “bình thản” và cứ chắp tay lạy, lạy và lạy trong lúc tiếng tụng kinh niệm Phật ở chùa vang lên.

Được biết, Thiền viện Trúc lâm Giác Tâm được xây dựng trên nền chùa Phúc Linh Tự có từ thời Trần, cách đây hơn 700 năm. Sự việc kỳ lạ trên chưa từng xảy ra hoặc chưa từng được phát hiện trong lịch sử của ngôi chùa này.
 

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

NGŨ PHƯƠNG HỔ THẦN QUAN TÁN

     Ngũ Phương Hổ Thần Quan Tán là bài tán được các đệ tử Đức Thánh Trần tụng cùng với Trần Thánh Đại Vương Chính Kinh Văn. Tương truyền bài tán này do Tướng Quân Phạm Ngũ Lão soạn và giáng bút vào giờ Mùi, ngày rằm, tháng 11 năm Tân Mão, niên hiệu Thành Thái thứ 3. Bài giáng bút này nhằm giải thích cho chúng đệ tử hiểu thấu tục thờ Ngũ Phương Hổ Thần và dán hình Ngũ Hổ tại các cửa trong nhà để trừ tà trấn quỷ của nhân dân ta. Phạm Tôn Thần giáng bài tán này và gọi là Ngũ Phương Hổ Thần Quan Tán nhằm để chính danh cho tục thờ này vậy.
     Ngũ Phương Hổ Thần Quan Tán gồm 144 từ và chia thành 36 câu. Mỗi câu mỗi từ đều hàm súc ý nghĩa sâu xa, thấm đẫm tư tưởng Nho gia (nhất là luận thuyết Âm Dương Ngũ Hành và môn Tinh Tượng Học) đồng thời được ứng dụng vào đời sống tâm linh của các đệ tử Đức Thánh Trần theo tinh thần Đạo giáo pha lẫn với tín ngưỡng dân gian của dân tộc ta.
     Sau đây là toàn văn bài Ngũ Phương Hổ Thần Quan Tán :

     NGŨ PHƯƠNG HỔ THẦN QUAN TÁN
     Tán viết :
     Cực chi ngũ hành
     Địa chi ngũ phương
     Nhân chi ngũ luân
     Thiên chi ngũ thường.

Chú giải :
     Cực tức khí Thái Cực trước khi phân định đất trời, tuy vậy trong đó Thái Cực đã chứa âm dương và bao hàm cả sự hình thành nên Ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
     Đất có ngũ phương là : Trung ương và Đông, Tây, Nam, Bắc. Đạo làm người phải lấy chữ Ngũ luân là năm mối quan hệ giữa Vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bạn bè. Trời cũng có Ngũ thường là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

     Ngưỡng nhi quan yên
     Ngũ Đế thị Hoàng
     Hoàn nhi liệt yên
     Ngũ Hầu nghi Vương.

Chú giải :
     Ngẩng đầu lên mà quan sát, để thấy chòm sao Ngũ Đế tôn nghiêm mà chính vị là sao Hoàng Đế, sao Thanh Đế ở phương Đông, sao Xích Đế ở phương Nam, sao Bạch Đế ở phương Tây,sao Hắc Đế ở phương Bắc.
     Ta lại thấy các vì sao giăng quanh nhau mà vẫn phân định rỏ từng vị trí. Chòm sao Ngũ Hầu gồm năm sao Đê Sư, Đê Hữu, Tam Công, Bác Sĩ và Thái Sư chiếu mệnh cho mỗi vương triều.

     Ngũ Kinh Ngũ Vỹ
     Vân Hán vi chương
     Ngũ Xa, Ngũ Hoành
     Đẩu vận tề quang.

Chú giải :
     Kinh, Vỹ là tên các chòm sao ; Vân Hán là tên gọi Sông Thiên Hà hoặc gọi là dải Ngân Hà, Ngân Hán... tạo nên nét đẹp cả bầu trời.
     Sao Xa, sao Hoành là hai sao nằm ở vị trí chuôi của chòm sao Bắc Đẩu, khi sao Đẩu chuyển thì tất cả đều lấp lánh theo.

     Đồ thành ngũ điểm
     Ngũ số chương dã
     Trù tự Ngũ sự
     Ngũ phúc khang dã.

Chú giải :
     Trong Thiên Hồng Phạm Cửu Trù của Kinh Dịch gọi Ngũ sự là : Mạo (dung mạo), Ngôn (lời nói), Thị (xem), Thính (nghe) và Tư (suy nghĩ) ; còn Ngũ phúc là : Thọ (sống lâu), Phú (giàu có), Khang minh (mạnh khỏe), Du hảo đức (vui theo đức tốt) và Khảo chung mệnh (chết được nhẹ nhàng).
     Ngũ điểm (năm chấm) trên lưng con Long Mã đã tạo nên Hà Đồ và năm con số trên lưng con rùa đã làm nên Lạc Thư. Hai cơ sở để tạo nên thuyết Ngũ hành tương sinh và Ngũ hành tương khắc.

     Ngũ thổ toại tính
     Hậu đức vô cương
     Ngũ quan tư chức
     Thuận đức giả xương.

Chú giải :
     Đất chia làm năm loại : xanh, vàng, trắng, đỏ, đen và vạn vật cũng phải hợp với từng tính chất thổ nghi mà sinh trưởng. Biết thích nghi với điều tự nhiên thì ắt sẽ cho ta công đức sâu dày không bao giờ hết.
     Năm giác quan của con người ta đều có chức năng riêng biệt, biết sử dụng triệt để các chức năng là đã thuận theo cái đức của tự nhiên và do đó sẽ nhất định được phát triển vậy !

     Như tấu Ngũ âm
     Thần nhân kỳ khương
     Như điều Ngũ vị
     Đỉnh nại kỳ trương.

Chú giải :
     Làm được những điều nói trên thì khác nào tấu lên khúc nhạc ngũ âm (gồm : Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ) để cho cả Thần và người đều vui vẻ.
     Như điều hòa được Ngũ vị (gồm : Mặn, Ngọt, Đắng, Cay, Chua) như đúc nên chiếc đỉnh để khuếch trương thành quả.

     Thánh thể năng cần
     Ngũ cốc dụng lương
     Thánh tâm duy tịnh
     Ngũ trần đốn vong.

Chú giải :
     Nếu biết làm việc siêng năng, thì ngũ cốc sẽ bồi đắp cho ta những kho lương thực dồi dào. Nếu lòng ta thanh tịnh thì ngũ trần cũng lập tức tiêu vong.

     Ư đông ư tây
     Nam bắc trung ương
     Biến nhi hóa chi
     Ngũ Nhạc đường đường.

Chú giải :
     Dù Đông, tây, nam, bắc, trung ương (tức ngũ phương) có biến hóa đổi dời thì ta vẫn phải giữ cho tâm vững vàng như Ngũ Nhạc (tức Đông Nhạc - Thái Sơn, Tây Nhạc - Hoa Sơn, Nam Nhạc - Hành Sơn, Bắc Nhạc - Hằng Sơn và Trung Nhạc - Tung Sơn).

     Vi thanh vi bạch
     Xích hắc huyền hoàng
     Thần nhi thông chi
     Ngũ vị dương dương.

Chú giải :
     Dẫu cho xanh hay trắng, đen, đỏ hoặc vàng thì cũng chẳng sao. Vì khi Thần và người cùng cảm ứng, thông suốt cho nhau thì sẽ tạo nên sự linh hiển và Ngũ vị sẽ được vững vàng, lồng lộng.

                                       CHÂN KINH HOÀN
                                           (Hết chân kinh)
           
     

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

DIỄN CA : TRẦN THÁNH ĐẠI VƯƠNG CHÍNH KINH VĂN

1. Thánh xưa vốn thuộc dòng Trần Đế
    Vâng mệnh trời giáng thế đầu thai
    Cứu dân, giúp nước chẳng nài
    Tấm lòng trung hiếu nào ai sánh bằng
    Khi công quả viên thành mọi lẽ
    Lại quay về thần vị Thiên cung
    Cửu Thiên Vũ Đế sắc phong
    Trời Nam trấn trị hết lòng vì dân.
    Lừng uy vũ, hiển linh, cảm ứng
    Quản văn quan, võ tướng cân phân
    Trên thời tuân mệnh Thánh quân
    Dưới thời dốc sức cứu dân giúp đời.

2. Nay xét thấy ở miền hạ giới
    Còn biết bao đệ tử của ta
    Thân tuy thành tín thật thà
    Mà tâm vẫn cứ phong ba, đổi dời
    Nên dẫu có lúc cầu, lúc ứng
    Mà ứng kia chẳng khứng dài lâu
    Chìm trong tịch mịch, khổ đau
    Nhân tâm, thế đạo dãi dầu...Tiếc thay !

3. Nay ta dựa vào Phạm Điện Soái
    Cùng cung nghinh thần giá xuống đây
    Vọng từ Hà Lạc chốn này
    Ra tay giáng bút Kinh hay răn đời...
    Rằng ...

4. Sinh ra trong cõi đất trời
    Phải theo sự nghiệp Thánh hiền mà đi
    Hỏi rằng : "sự nghiệp là chi ?"
    Là Trung Hiếu phải khắc ghi nằm lòng !
    Hiếu Trung là gốc ngũ luân
    Ai mà thiếu một thì không thành người.
    Các người hãy gắng nghĩ suy :
    Là con có Hiếu ta thì làm sao ?
    Làm tôi Trung phải thế nào ?
    Là anh em phải sống sao mới Hòa ?
    Vợ chồng tương Kính thế nào ?
    Bạn bè chữ Tín hiểu sao mới tròn ?
    ...
    Trên thời tôn kính Thánh Thần
    Hết lòng thờ phụng tổ tông mới là...
    Dưới thời siêu độ hồn ma
    Làm nhiều âm đức cho ta, cho người.
    Thế là đã đạt chữ Nhân
    Là đi đến chỗ tận cùng Đạo ta !

5. Nếu chẳng được vậy khác nào :
    Sống thì nghịch lại phép vua
    Đến khi chết phải khép vô tội trời.
    Vĩnh viễn xa dứt kiếp người
    Mà nhân đạo cũng xa rời các ngươi...
    Thương lắm thay !

6. Các ngươi đã gởi phận này
    Làm đệ tử Thánh từ rày khắc sâu.
    Mau mau trở bước hồi đầu
    Chăm làm điều tốt tránh điều ác tâm.
    Trước thời gìn giữ ngũ luân
    Sau thời dốc chí tạo dần phúc âm.
    Rượu chè, cờ bạc, sắc dâm
    Phải nghiêm tuyệt tránh đừng xâm phạm vào.
    Tham ô, biển lận, kiêu căng
    Là điều cấm kỵ phải năng giới mình.
    Làm điều nhân nghĩa anh minh
    Bỏ ngoài tai chuyện nhân tình thị phi.
    Hiếu trung luôn phải khắc ghi
    Đừng cho tục niệm mờ đi tâm thành.
    Lấy chất phác xử gia đình
    Lấy lòng trung hậu lưu truyền tử tôn.
    Biết rằng sĩ, nông, công, thương
    Mỗi ngành đều có mỗi thường nghiệp riêng.
    Không chìm vào thói đảo điên
    Về sau ắt được diên niên thọ trường.

7. Tự nhiên quỷ sợ Thần kiêng
    Tai qua nạn khỏi phúc duyên lại gần.
    Chẳng cần lạy Thánh van Thần
    Niềm vui vẫn hóa tường vân tụ hồi.
    Chẳng cần kinh kệ khẩn cầu
    Muôn xe phước vẫn theo nhau tìm về !
    ...
    Há không vui sướng lắm sao !
    Các ngươi hãy gắng sức mà làm theo !
    Còn nếu như trái lời Thánh dặn
    Thì các ngươi đừng tụng kinh này.
    Đấy lời ta, phải kính tuân ! 

                       (Hết)

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

TRẦN THÁNH ĐẠI VƯƠNG CHÍNH KINH VĂN CHÚ GIẢI

TRẦN THÁNH ĐẠI VƯƠNG CHÍNH KINH VĂN CHÚ GIẢI
                            (Hình Phước Liên sưu tầm,biên dịch và chú giải)

     Trần Thánh Đại Vương Chính Kinh Văn là bổn Kinh thường tụng của các đệ tử theo tín ngưỡng Đức Thánh Trần.Ở Nha Trang, Khánh Hòa cũng vậy, Trần Thánh Đại Vương Chính Kinh Văn thậm chí đã trở thành kinh nhật tụng của nhiều thiện nam tín nữ.
     Gọi Chính Kinh Văn là bởi vì đây là bản kinh văn chính thức đề ra con đường chủ yếu để chúng đệ tử noi theo mà hành tập, sửa mình. Gọi là Kinh Văn bởi vì những điều trong ấy chỉ là văn bản ghi lại lời dạy của Đức Thánh Trần đối với các đệ tử của mình; không triết lý cao vời, không sâu xa ảo diệu như các bộ kinh của Tam giáo mà thiết thân gần gũi như lời cha dạy con, ông dạy cháu nhưng vẫn hàm chứa tất cả tư tưởng cơ bản nhất của mạch nguồn Tam giáo. Cho nên không gọi là Kinh mà định danh là Kinh Văn là đức khiêm cung đã được đề ra ngay từ tên gọi vậy !
     Trần Thánh Đại Vương Chính Kinh Văn bao gồm :
     - Trần Thánh Đại Vương bửu cáo : Được viết dưới dạng một bài phú ngắn trong đó ghi lại tiểu sử khái quát của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và danh hiệu của Ngài được sắc phong khi hiển Thánh.
     - Khai kinh kệ : Bài Kệ khai kinh được viết ở thể thất ngôn tứ tuyệt. Nội dung bài kệ nói về tác dụng của kinh văn đối với chúng đệ tử khi thành tâm tụng niệm.
     - Trần Thánh Đại Vương Chính Kinh Văn : Là bản "Ngọc chỉ giáng văn huấn thế" của Đức Thánh Trần, tương truyền được Phạm Điện Soái Tướng Quân tuân mệnh Ngài giáng bút chép lại tại buổi cung nghinh Thánh giá (lên đồng) ở vọng từ Hà Lạc.
     Trần Thánh Đại Vương Chính Kinh Văn gồm 365 từ ứng với số Chu Thiên và chia làm 7 tiết :
     - Tiết 1 : Khái quát cuộc đời và công đức của Đức Thánh Trần Hưng Đạo.
     - Tiết 2 : Nêu lý do và mục đích của kinh văn.
     - Tiết 3 : Nêu rõ hoàn cảnh ra đời của kinh văn.
     - Tiết 4 : Khái quát nội dung tư tưởng chủ đạo của Kinh Văn là Trung và Hiếu qua đó khuyến dụ mọi người biết tu dưỡng và hành động sao cho trọn đạo ngũ luân, hành thiện tích phước, tạo âm đức cho đời sau.
     - Tiết 5 : Khái quát về những hậu quả cho những ai làm trái lại đạo trung hiếu, vi phạm ngũ luân.
     - Tiết 6 : Tiếp tục khuyên răn cặn kẻ để chúng đệ tử phải quyết tâm cải ác tùng thiện, và đưa ra những lời dạy cụ thể cho chúng đệ tử có thể làm việc thiện một cách có hệ thống, tránh sa vào cảnh nghịch lý.
     - Tiết 7 : Khẳng định lại những lời dạy trên của Thánh (từ tiết 4 đến tiết 6) và khuyến khích chúng đệ tử vui lòng làm theo.
     Tóm lại, nội dung chủ đạo của Trần Thánh Đại Vương Chính Kinh Văn được thể hiện trong 365 từ cô đúc, có thể gộp lại và mỗi hai từ Trung Hiếu. Trung Hiếu là gốc của ngũ luân; là nguồn ngũ thường; là lẽ hằng để con người ta dựa vào mà ứng xử với tự nhiên, xã hội và cả với Thánh Thần. Đấy cũng là toàn bộ cuộc đời đầy nhân văn và hiển hách của Tướng Quân Trần Quốc Tuấn đối với đất nước, nhân dân và với tông tộc nhà Trần. Chính vì lẽ ấy mà sau khi Người mất, nhân dân đã tôn Ngài lên hàng Thánh để cùng sống mãi với non sông đất Việt. Trần Thánh Đại Vương Chính Kinh Văn cũng chính là tấm lòng của Người và Đạo của Đức Thánh Trần chính là đạo của Hiếu Trung vậy !
     Ngoài ra, trong hệ thống kinh văn của tục thờ Trần Hưng Đạo ở nước ta và Nha Trang, Khánh Hòa còn một số các Bửu cáo về Đệ Nhất Vương Cô - Quyên Thanh Công Chúa, bửu cáo Đệ Nhị Vương Cô - Thủy Tiên Công Chúa, bửu cáo Khải Thánh Vương Phụ, Khải Thánh Vương Mẫu, bửu cáo Phạm Điện Soái và bài Ngũ Phương Hổ Thần Quan Tán... cũng được các đệ tử của Người tụng vào các ngày kỵ, ngày sinh của các bậc tôn hiền ấy. Trong đó bài Ngũ Phương Hổ Thần Quan Tán và bửu cáo Phạm Điện Soái được sử dụng chung với Trần Thánh Đại Vương Chính Kinh Văn.
     Về nghi thức tụng niệm Kinh Thánh Trần ở Nha Trang, Khánh Hòa cũng không khác nhiều so với tụng kinh của phật tử. Người tụng kinh có thể quỳ hoặc đứng và không được phép ngồi. Có thể tụng lớn hoặc tụng nhỏ, song điều cốt yếu là phải đọc thật rõ ràng từng câu, từng chữ trong kinh văn và quan trọng nhất là phải chú tâm, miệng đọc lòng suy hầu đạt đến sự "Hữu thành tất ứng, hữu cảm tất thông".
     Với những gì mà Kinh văn Đức Thánh Trần răn dạy, có lẽ không chỉ dành riêng cho những đệ tử của Người mà nó mãi mãi là điều mà bất cứ ai cũng cần để tâm và hướng đến.
     Sau đây, xin ghi lại toàn văn Trần thánh Đại Vương Chính Kinh Văn do chúng tôi sưu tầm được tại Đền Trần hưng Đạo Nha Trang và tại Đền Trần Hưng Đạo Thành phố Hồ Chí Minh. Phần chú giải xin phép dịch thật sát nghĩa với nguyên văn và vì lòng yêu mến bộ kinh văn này chúng tôi xin được phép viết lại theo lối diễn ca để nếu có thể sẽ giúp cho mọi người dễ hiểu hơn về bản Kinh văn này.
                                                                                    
     TRẦN THÁNH ĐẠI VƯƠNG BỬU CÁO
     Chí tâm quy mệnh lễ
     Đông A đế trụ
     Nam Đảo Tiên tung
     Phò quốc cứu dân, đẳng huân công vu Thiên Địa ;
     Sừ gian thảo loạn, phấn uy vũ vu Bắc Nam.
     Nhất thân gia quốc chi hoài, ân ưu Khải Thánh ;
     Vạn cổ đan thanh nhất bức, trác quán Tôn thần.
     Thạnh đức văn ư Đại Bang, thiên thư quả định ;
     Dư linh trấn hồ Việt Điện, quỷ tuý tiềm hình.
     Võ tước gia phong,
     Thiên cung thống nhiếp hồ văn thân chi địa ;
     Lộc tịch thế chưởng,
     Nhân giới hà sa hồ hóa dục chi phương.
     Cửu Thiên Võ Đế, Nhân Võ Hưng Đạo Đại Vương,
     Trần Triều Hiển Thánh Thiên Tôn.

     Dịch nghĩa :

             BỬU CÁO CỦA TRẦN THÁNH ĐẠI VƯƠNG
                                 (Dốc lòng theo mạng lễ)
                                 Trụ cột của Đông A
                                 Giống Tiên vùng Nam Đảo.
      Giúp nước cứu dân, công lao sánh cùng Trời Đất ;
      Trừ gian dẹp loạn, uy vũ lừng cõi Bắc Nam.
      Một thân hai nỗi nước nhà, lo lắng nặng lòng Khải Thánh ;
      Muôn thưở lưu danh sử sách, vẻ vang bậc nhất Tôn Thần.
      Thạnh đức rền khắp Đại Bang, sách Trời định rõ ;
      Dư linh trấn yên Việt Điện, lũ quỷ trốn hình.
      Phong tước Võ Thần,
      Chốn thiên đình thống lĩnh xứ văn thân (1);
      Giữ quyền Lộc tịch,
      Cõi dương thế duổi rong miền hóa dục  (2).
      Cửu Thiên Vũ Đế, Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương,
      Trần Triều Hiển Thánh Thiên Tôn.

      Chú thích :
      (1) Xứ văn thân : Xứ sở có tục lệ xăm mình, nhằm chỉ vùng đất Giao Chỉ ngày xưa.
      (2) Miền hóa dục : Hóa dục tức là sản sinh nên những bậc hiền tài. Bắt nguồn từ thành ngữ cổ "Chung linh dục tú" - có nghĩa là hoàn cảnh tú mỹ sẽ sinh ra con người tú mỹ.

     KHAI KINH KỆ
     Tụng đắc chân kinh độ thế nhân
     Toàn gia khang cát hưởng trường xuân
     Phàm tâm nhược thức thần thông pháp
     Nhất thiết tai ương tận hóa trần.

Dịch nghĩa :
     Tụng được kinh này độ thế nhân
     Toàn gia an hưởng phước trường xuân
     Tâm phàm nếu hiểu thông lời Thánh
     Thì mọi tai ương hóa bụi trần.

TRẦN THÁNH ĐẠI VƯƠNG CHÍNH KINH VĂN
1.
     Thánh tích tại Trần thời,
     Khâm mông Ngọc chỉ giáng thế.
Phù quốc cứu dân, duy Trung duy Hiếu,
Huân thành quả mãn tái phụng hồi chứng Thần vị.
Sắc phong Cửu Thiên Võ Đế, trấn trị Nam phương,
Hiển linh chấn uy, khâm sai văn võ bộ quan.
Thượng tuân Thánh lệnh, hạ độ nhân gian.

Dịch nghĩa :
     Đức Thánh phát tích từ thời Trần,
     Vâng mệnh của Ngọc Hoàng Thượng Đế mà giáng thế.
     Giúp nước cứu dân, một lòng Trung Hiếu,
     Đến khi công thành quả mãn lại phụng mệnh trở về thần vị.
     Được sắc phong Cửu Thiên Võ Đế, trấn giữ cai trị Phương Nam.
     Uy vũ, anh linh hiển ứng, cai quản bộ hạ văn quan, võ tướng.
     Trên vâng theo Thánh lệnh, dưới tế độ nhân gian.

2.
     Tư sát chi hạ giới chúng đệ tử đẳng :
     Thân tuy đầu thành nhi tâm bất nội tỉnh,
     Sở dĩ cầu chi hữu ứng, ứng chi bất cửu,
     Chung luân tịch mịch,
     Thế đạo nhân tâm khả thắng tích tai !

Dịch nghĩa :
     Nay xét thấy chúng đệ tử ở miền hạ giới,
     Thân tuy đầu mộ thành tín mà tâm vẫn không có được sự phản tĩnh.
     Cho nên, dầu có lúc cầu lúc ứng mà sự ứng không được lâu dài,
     Cuối cùng vẫn chìm vào trong tịch mịch,
     Thế đạo nhân tâm như vậy, thật là tiếc lắm thay !

3.
     Thánh kim cứ Phạm Điện Soái Tướng Quân,cung nghinh Thần giá quang lâm Hà Lạc vọng từ, giáng bút thành Kinh dĩ huấn thế viết :

Dịch nghĩa :
     Nay ta dựa vào Phạm Điện Soái Tướng Quân (Tướng quân Phạm Ngũ Lão), cung nghinh Thần giá đến đền thờ vọng tại Hà Lạc và giáng bút chép thành bản Kinh văn này để dạy đời rằng :

4.
     Nhân sinh thiên địa gian,
     Yếu đương tác Thánh hiền sự nghiệp.
     Sự nghiệp giả hà ? Trung hiếu nhi dĩ !
     Trung hiếu ngũ luân chi thủ, khuyết nhất bất khả.
     Nhĩ đẳng đương tư :
     Vi tử như hà khắc hiếu ?
     Vi thần như hà khắc trung ?
     Huynh đệ như hà khắc hòa ?
     Phu phụ như hà khắc kính ?
     Bằng hữu như hà khắc tín ?
     Thượng tắc kính thiên thần, sự tổ tiên ;
     Hạ tắc độ âm hồn, hành âm chất.
     Như thử vi nhân, thứ hồ tận đạo.

Dịch nghĩa :
     Người sinh ra trong trời đất
     Phải biết làm theo sự nghiệp của các bậc Thánh hiền.
     Vậy sự nghiệp ấy là gì ? Đó chính là Trung Hiếu vậy !
     Trung hiếu là gốc của ngũ luân, không thể thiếu điều nào cả.
     Các ngươi phải suy nghĩ :
     Là con người phải làm thế nào mới đạt được chữ Hiếu ?
     Là tôi phải làm thế nào mới đạt được chữ Trung ?
     Anh em phải đối xử ra sao mới đạt được chữ Hòa ?
     Vợ chồng phải sống sao mới đạt được chữ Kính ?
     Bạn bè đối xử ra sao mới đạt được chữ Tín ?
     Trên thì phải biết kính trọng Thánh Thần, phụng thờ Tiên tổ,
     Dưới thì phải gắng siêu độ các vong hồn, tạo nhiều âm đức.
     Như vậy là đạt được chữ Nhân và đã đi đến tận cùng Đạo vậy !

5.
     Bất nhiên :
     Sinh ly vương pháp, tử thọ thiên khiển,
     Vĩnh ly nhân loại, bất do nhân đạo.
     Ai tai !

Dịch nghĩa :
     Nếu chẳng làm được như vậy thì khác nào :
     Sống không tròn với phép vua, khi chết đi lại chịu sự khiển trách của Trời.
     Vĩnh viễn phải xa rời loài người và không còn nhân đạo nữa.
     Thương lắm thay !

6.
     Nhĩ đẳng ký đầu vi Thánh đệ tử, tảo tảo hồi đầu,
     Phụng hành chúng thiện, năng khử chư ác,
     Thủ đốn ngũ luân, thứ hành âm chất
     Tửu sắc, tài khí, nghiêm nhi tuyệt chi !
     Kiêu lận, tham ô, cấm nhi giới chi !
     Hành Thánh nhân nghĩa, bất tuất nhân ngôn,
     Thủ Thánh Trung Hiếu, bất phản tục niệm.
     Xử gia đình dĩ chất phác, di tử tôn dĩ trung hậu.
     Sĩ nông công thương, các hữu thường nghiệp,
     Bất luân du bạc, hàm quy hậu đức.

Dịch nghĩa :
     Các người đã gửi thân vào làm đệ tử Thánh, thì mau chóng quay đầu,
     Dốc lòng làm nhiều việc thiện, hủy bỏ điều ác.
     Trước là giữ đạo ngũ luân, sau phải chăm làm âm đức.
     Rượu chè, sắc dục, cờ bạc phải nghiêm túc rời xa !
     Kiêu căng, biển lận, tham ô phải tự mình cấm giới.
     Hãy làm điều nhân nghĩa như lời Thánh dạy, bỏ ngoài tai lời lẽ thị phi,
     Giữ cho trọn hiếu trung, chớ để lòng quay về tục niệm.
     Lấy sự chất phác mà xử sự trong gia đình ;
     Lấy đức trung hậu mà lưu truyền cho con cháu.
     Sĩ nông công thương, mỗi nghề đều có riêng thường nghiệp.
     Cốt sao đừng đắm chìm vào thói xấu ắt sẽ hưởng được phúc dày.

7.
     Tự nhiên, Thần khâm quỷ phạ, tai khứ phước lai,
     Bất tất độc kỳ Thánh Thần, nhi thiên tường vân tập, vạn phước biền trăn.
     Khởi bất lạc tai ! Nhĩ đẳng miễn nhi hành chi !
     ...
     Thảng vi Thánh huấn, vật tụng Thánh Kinh.
     Lẫm chi !

Dịch nghĩa :
     Tự nhiên, Thần kiêng quỷ sợ, tai qua phước đến.
     Chẳng cần phải đọc Kinh cầu khẩn Thánh Thần mà ngàn điều lành như mây về tụ hội, muôn điều phước cứ theo xe song mã đến tìm.
     Thế chẳng phải là vui sướng lắm sao ! Các ngươi gắng mà làm theo vậy !
     ...
     Còn như trái lời Thánh dạy, thì đừng tụng Kinh Thánh.
     Phải tuân kỉnh lấy đó !


      

TRẦN THÁNH KINH

                                 TRẦN THÁNH KINH
                                  ---------------------------

Lô hương sạ nhiệt
Pháp giới mông huân
Chư Phật hải hội tất dao văn
Tùy xứ kết tường vân
Thành ý phương ân
Chư Phật hiện toàn thân
Nam Mô Hương Vân Cái Bồ Tát Ma Ha Tát (3 biến)
     
     Khấu chung niệm pháp
     Đệ nhất hồi niệm văn
     Nam mô Tây phương cực lạc thế giới đại từ đại bi A Di Đà Phật. Nhất thiết chúng sinh đẳng, văn niệm Phật thanh, giai đắc bão noãn an lạc A Di Đà Phật.
     Đệ nhị hồi niệm văn
     Nam mô Tây phương cực lạc thế giới đại từ đại bi A Di Đà Phật.
Nhất thiết đệ tử đẳng, văn niệm Phật thanh, giai sinh từ bi tâm A Di Đà Phật.
     Đệ tam hồi niệm văn
     Nam mô Tây phương cực lạc thế giới đại từ đại bi A Di Đà Phật. Nhất thiết đệ tử đẳng, văn niệm Phật thanh, giai đăng nhân nghĩa ngạn, A Di Đà Phật.

     TỊNH TÂM THẦN CHÚ :
     Thái Thượng duyên sinh, ứng biết vô đình, khu tà phọc mỵ, luyện khí bảo tinh, trí tuệ minh tĩnh, tâm thần an ninh, tam hồn vĩnh cửu, phách vô táng khuynh, cấp cấp như luật lịnh.

     TỊNH THÂN THẦN CHÚ :
     Hưng Đạo Đại Vương, an úy thân hình, đệ tử hồn phách, ngũ tạng huyến minh, Thanh Long Bạch Hổ, đội trượng phân vân. Chu Tước Huyền Vũ, thị vệ ngã thân, cấp cấp như luật lịnh.

     TỊNH KHẨU THẦN CHÚ :
     Đan chu khẩu thẫn, thổ nế trừ phận, thiệt thần chính luân, thông mạnh dưỡng thần, la thiên xỉ thần, khước tà vệ chân, hẩu thần hổ bôn, thân khí dẫn tân, tâm thần đan nguyện, linh ngã thông chân, tư thần luyện dịch, đạo khí trường tồn, cấp cấp như luật lịnh.

     CỬ HƯƠNG THẦN CHÚ :
     Tâm hương nhất triện, thấu đạt Cửu Thiên, thanh cung mật vật giáng chân tiên, đệ tử chí tâm bái tọa tiền, ngưỡng kỳ phúc lộc thọ miên duyên.
     Nam mô Hương Vân Cái Bồ Tát Ma Ha Tát.
  
     THANH CUNG LIỆT TƯỚNG BÁO CÁO
     CHÍ TÂM QUY MẠNG LỄ
     Trùng Hưng Danh Tướng, Đại vương gia thần, tùy sư tặc phá, ái quốc trung quân xỉ thạch mạc từ, doãn địch cần vương chi chí, gian lao bất cãi, trường lưu hứa quốc chi tâm, khuông phù miễu xã, kỷ lặc danh huấn chí linh chí hiển, chí dũng chí nhân.
     Trần Triều liệt vị Môn khách Tướng quân tôn giả.

     TỨ VỊ VƯƠNG TỬ BÁO CÁO
     CHÍ TÂM QUY MẠNG LỄ
     Đại Vương thể tử, trần thất ý thâu, hiếu trung doãn địch, hưu thích dữ đồng, Lục Đầu Giang thượng phá Nguyên binh, bảo Kim âu chi vĩnh điện, Vạn Kiếp rinh trung tùy thánh phụ, lao thạch mã ư kỹ hồi sinh vi tướng hóa vi thần, lịch triều phong tặng, đức ư dân công ư quốc, vạn cổ tôn sùng, chí linh chí hiển, đại hiếu đại trung.
     Trần Triều Vương Tử : Hưng Vũ Đại Vương, Hưng Hiến Đại Vương, Hưng Nhượng Đại Vương, Hưng Trí Đại Vương, liệt vị tôn thần tôn giả.

     PHẠM ĐẠI VƯƠNG BÁO CÁO
     CHÍ TÂM QUY MẠNG LỄ
     Nam bang nhân kiệt, Đông A danh thần, hung trung thao lược, chưởng thượng kinh luân, hoành sáo kỷ thu, hộ giang sơn ư bách chiến, tích phù ngũ mạnh, mông dản quyến ư Trùng Hưng, trung hiếu nhất sinh tâm, băng ngọc tiễn đồng vinh chi dự, minh ương thiên tải hội, phong vân phù chung cổ chi linh, tận trung tận hiếu, năng vũ năng văn.
     Trần Triều Điện Súy, Thượng Tướng Quân Quan Nội Hầu Phạm Đại Vương tôn giả.

     ĐỆ NHẤT VƯƠNG NỮ BÁO CÁO
     CHÍ TÂM QUY MẠNG LỄ
     Thông minh địa bộ, cốt cách thiên sinh, phi tiên ứng mộng long nữ tá hình, Đông A chi ngọc diệp lưu căn, giáng sơn chúng tá, Nam Việt chi Kim âu vĩnh điện thảo mộc hiệu linh, hương chú xuân viên, thụ kiếm nhi rao tiên chỉ điểm, hoa bái trận pháp, huy kỳ nhi Nguyên khấu hổn kinh, Vương Nữ liệt thần phi, môn my quang thái, thâm cung tán nội trị, Triều rã thanh bình, thị tiên thị thánh, tối tú tối linh.
     Trần Triều Nhân Tôn Hoàng Hậu, Đệ Nhất Vương Nữ, Quyên Thanh Công Chúa đại từ tôn.

     ĐỆ NHỊ VƯƠNG NỮ BÁO CÁO
     CHÍ TÂM QUY MẠNG LỄ
     Ngụ phù mạnh phụ, tam giới trích tiên, đoan trang địa tú, cốt cách thiên nhiên, hài đồng nhi thụ dưỡng Trần môn, Vương Nữ liên xưng tỷ muội, kê tự nhi vu quy Phạm tộc, súy thần hảo hợp nhân duyên, tòng tỷ xuân viên, vân chúng tiên gia chi kiếm, tán nhung duy ốc, phong minh dược lĩnh chi chiên, Hiển Thánh, nhi linh thanh thiên cổ, phong thần nhi hương hỏa ức niên, mặc hương di tích phù miếu hàn yên thi Tiên thị Thánh, quy Phật quy thiền.
     Trần Triều Phạm Điện Súy phu nhân, Đệ Nhị Vương Nữ, Thủy Tiên Công Chúa đại từ tôn.

     NGUYÊN TỪ QUỐC MẪU BÁO CÁO
     CHÍ TÂM QUY MẠNG LỄ
     Đông A ngọc diệp, Mam mặc kinh chí chân dung diệu tướng, khuê tú kiều tư, nhị bát thanh xuân, hoàn bội y nhiên đế nữ, tam sinh hồng tịch, sắt cầm tảo chính Vương Phi, trung hiền tụy vu nhất môn, tử nữ vi vương vi hậu, thanh linh truyền ư vạn thế, nhân dân mộ đức, mộ từ, chí nhân chí hiển, đại nguyện đại bi.
     Trần Triều Vương Phi, Thiên Thành Thái Trưởng Công Chúa, Nguyên Từ Quốc Mẫu, cứu thế đại từ tôn.

     KHẢI THÁNH VƯƠNG MẪU BÁO CÁO
     CHÍ TÂM QUY MẠNG LỄ
     Đông A Khải Thánh, Trần thị phu nhân, dung tư yễu điệu, tính chất trinh thuần chấp phụ đạo dĩ sự huy hoàng, chu gia thục nữ, đản Mẫu nghi nhi dục thanh tử, tống thế tuyên nhân, đức quán Vương Phi, huyền thập tứ cung, vi chi sử kính ân thùy xích tử, phổ vạn thiên đới mộ chi từ vân tối linh tối tú, toàn đức toàn chân.
     Trần Triều Khải Thánh Vương Phu nhân, Thiện Đạo Quốc Mẫu Nguyên Quân, cứu thế đại từ tôn.

     KHẢI THÁNH VƯƠNG PHỤ BÁO CÁO
     CHÍ TÂM QUY MẠNG LỄ
     Đặng tiền phái diễn, Trần hậu mưu di, đế vương nhất mạch, huynh đệ đồng chi, chức Thái Úy dĩ bỉnh quân, Hoàng gia vọng trọng, tước thân vương nhi tựu trấn, tôn thất thủ suy ngũ an chi địa mộc thang, đáo xứ nhi thảo hoa sinh sắc, Vạn Kiếp chi sơn hoàn nhiễu, ái lư nhi phong thủy hiến kỳ, đệ huynh chi nghĩa hợp khiêm tam, hổn nhiên thiên tính, Vương phụ chi đức long càn nhị, thị nhĩ dân di, chí cương chí chính, đại từ đại bi.
     Trần Triều Khải Thánh, An Sinh Vương, truy phong Khâm Minh Đại Vương, linh hiển đại thiên tôn.

     HIỂN THÁNH BÁO CÁO
     CHÍ TÂM QUY MẠNG LỄ
     Đông A đế trụ, Nam Đảo tiên tông phù quốc cứu dân đẳng quân thân vu thiên địa, xừ gian thảo loạn, phấn uy võ vu bắc nam, nhất thân gia quốc chi hoài, ân ưu Khái Thánh, vạn cổ đan thanh nhất bức, trác quán tôn thần, thịnh đức văn ư đại bang, thiên thư quả định, dư linh trấn hồ việt điện, quỷ tý tiềm hình, võ tước gia phong, thiên cung thống nhiếp hồ văn thân chi địa, lộc tịch thế chưởng, nhân giới sa bà hồ hóa dục chi phương.
     Cửu Thiên Vũ Đế, Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương, Trần Triều Hiển Thánh thiên tôn.

     KHAI KINH KỆ
     Tụng đắc chân kinh độ thế nhân
     Toàn gia khang cát hưởng tràng xuân
     Phàm tâm nhược thức thần thông pháp
     Nhất thiết tai ương tận hóa trần.

     ĐẠI VƯƠNG CHÍNH KINH VĂN
     Đế tích tại trần thời, khâm mông.
     Ngọc chỉ giáng sinh, phù quốc cứu dân, duy trung duy hiếu, huân thành quả mãn tái phụng hồi chứng thần vị, sắc phong.
     Cửu Thiên Vũ Đế, trấn trị Nam phương, hiển linh chấn uy, khâm sai văn võ bộ quan, thượng tuân Thánh lệnh, hạ độ nhân gian, tư sát chi hạ giới, chúng đệ tử đẳng, thân tuy đầu thành, nhi tâm bất nội tĩnh, sở dĩ cầu chi hữu ứng, ứng chi bất cửu, chung luân tịch mịch thế đạo nhân tâm, khả thăng tích tai.
     Đế kim cứ, Phạm Điện Súy Tướng Quân, cung nghinh thần giá, quan lâm Hà Lạc vọng từ, giáng bút thành kinh, dĩ huân thế viết, nhân ? Sinh thiên địa gian, yếu đương tố thánh hiền sự nghiệp, sự nghiệp giả hà, trung hiếu nhi dĩ, trung hiếu vi ngũ luân chi thủ, khuyết nhất bất khả, nhĩ đẳng đương tư : vi tử như hà khắc hiếu, vi thần như hà khắc trung, huynh đệ như hà khắc hòa, phu phụ như hà khắc kính, bằng hữu như hà khắc tín, thượng tắc kính thiên thần, sự tổ tiên, hạ tắc độ âm hồn, hành âm chất, như thử vi nhân, thứ hồ tận đạo, bất nhiên sinh la vương pháp, tử thụ thiên khiển, vĩnh ly nhân loại, bất do nhân đạo, ai tai, nhĩ đẳng ký đầu vi đế đệ tử, tảo tảo hồi đầu phụng hành chúng thiện, năng khứ chủ ác, thủ đôn ngũ luân, thứ hành âm chất, tửu sắc tài khí, nghiêm nhi tuyệt chi, kiêu lận tham ô, cấm nhi giới chi, hành đế nhân nghĩa, bất tuất nhân ngôn thủ đế trung hiếu, bất phân tục niệm, xứ gia đình dĩ chất phác di tử tôn dĩ trung hậu, sĩ nông công thương, các hữu thường nghiệp bất luân thâu bạc, hàm quy hậu đức, tự nhiên thần khâm quỷ phạ, tai khứ phúc lai, bất tất độc kỳ đế thần, nhi thiên tường vân tập, vạn phúc biền trần, khởi bất lạc tai, nhĩ đẳng miên nhi hành chi, thảng vi chánh huấn, vật tụng đế kinh, lâm chi.

     PHẠM ĐIỆN SÚY PHỤNG SOẠN NGŨ PHƯƠNG HỔ THẦN QUAN TÁN, TÁN VIẾT.
     Cực chi ngũ hành, địa chi ngũ phương, nhân chi ngũ luân, thiên chi ngũ thường, ngưỡng nhi quan yên, ngũ đế thị hoàng, hoàn nhi liệt yên, ngũ hầu nghi vương, ngũ kinh ngũ vĩ, vân hán vi chương, ngũ xa ngũ hành, đẩu vận tề quang, đồ thành ngũ điểm, ngũ số chương giả, ngũ thổ toại tính, hậu đức vô cương, ngũ quan tư chức, thuận đức giả xương, như tấu ngũ ấm, thần nhân kỳ khương, như điều ngũ vị, đỉnh lại kỳ trương, đế thể năng cần, ngũ cốc dụng lương, đế tâm duy tĩnh, ngũ trầu đốn vương, ư đông ư tây, nam bắc trung ương, biến nhi hóa chi, ngũ nhạc đường đường, vi thanh vi bạch, xích hắc huyền hoàng, thần nhi thông chi, ngũ vị dương dương.

     PHẬT THUYẾT CỨU KHỔ CHƠN KINH
     Nam mô cứu khổ cứu nạn linh cảm Quán Thế Âm Bồ Tát.
     Bách thiên vạn ức Phật, hằng hà sa số Phật, Phật cáo Át Nan ngôn : Thử kinh Đại Thánh, năng cứu ngục tù, năng cứu trọng bệnh, Năng cứu bách nạn khổ, nhược hữu nhân, đọc tụng nhất thiên biến, nhất thân ly khổ nạn, đọc tụng nhất vạn biến, toàn gia ly khổ nạn, Nam mô Phật lực uy, Nam mô Phật lực hộ, sử nhân vô ác tâm, linh nhân thân đắc độ, Hồi Quang Bồ Tát, Hồi Thiện Bồ tát, A Nốc Đại Thiên Vương, Chính Thiện Bồ Tát,  Ma hưu ,ma hưu, thanh tịnh tỷ khưu, quan sự đắc tán, tư sự đắc hưu, chư đại Bồ Tát, Ngũ bách A La Hán, cứu hộ đệ tử (họ và tên) thân, tất giai ly khổ nạn, tự nhiên Quán Thế Âm, anh lạc bất tu giải, cần đọc thiên vạn biến, nhất thiết tai ương, tự nhiên giải thoát, tín thụ phụng hành, tức thuyết chân ngôn viết : Kim ba kim ba đế, Cầu ha cầu ha đế, Đà la ni đế, ni a la đế, tỳ lê nễ đế, ma ha ca đế, chân lăng càn đế, bồ đề tát bà ha (3 lần).
     Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng, Phật quốc hữu duyên, Phật pháp tướng nhân, thường lạc ngã tịnh, chiêu niệm Quán Thế Âm, mộ niệm Quán Thế Âm, niệm niệm tòng tâm khởi, niệm Phật bất ly thân (tâm), Thiên La thần, Địa La thần, Nhân ly nạn, nạ ly nhân, nhất thiết tai ương hóa vi trần, Úm, a dô lạc kế sa bà ha (3 lần).
     Quán Âm Đại Sĩ, Tích hiệu Viên Thông, Thập nhị đại nguyện, thệ hoằng thâm, khổ hải độ mê tân, cứu khổ tầm thanh, vô sái bất hiện thân.
     Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lần).
     (Đại chúng đồng niệm Giải kết thần chú)
     Giải kết, giải kết, giải oan kết,
     Giải liễu oan hòa nghiệp tẩy tâm,
     Địch lự phát kiền thành,
     Kim đối Phật tiền cầu giải kết,
     Giải kết, giải kết, giải oan kết,
     Giải liễu tiền sinh oan trái nghiệp,
     Bách thiên vạn kiếp giải oan thù,
     Vô lượng vô biên đắc giải thoát,
     Giải liễu oan diệt liễu tội,
     Nguyện kiến đương lai long hoa hội,
     Long hoa tam hội nguyện tương phùng,
     Vô lượng Bồ đề chân bất thoái.
     Úm sỉ lâm úm bộ lâm diệt,
     Kim tra kim tra tăng kim tra,
     Ngô kim vị nhữ, giải kim tra,
     Chung bất giữ nhữ kết kim tra,
     Úm cường chung cường cát chung cát,
     Ma ha hội lý hữu thù luật,
     Nhất thuyết oan gia ly ngã thân,
     Ma ha bát nhã ba la mật,
     Nam mô giải oan kết bồ tát ma ha tát (3 lần).
        
                                              ----------------


     

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

HÌNH ẢNH LỄ HỘI


BAN QUẢN LÝ

BAN QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA ĐỀN THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN HƯNG-ĐẠO ĐẠI-VƯƠNG NHA-TRANG NHIỆM KỲ 2012-2015 GỒM CÓ :

- Ông ĐÀM QUANG HÁT                   Trưởng Ban
- Ông NGUYỄN ĐỨC NGUYÊN         Phó Ban
- Bà VŨ THỊ THANH HUYỀN            Thư Ký
- Bà BÙI THỊ MỸ HÒA                        Kế Toán
- Bà PHẠM THỊ THANH                     Thủ Quỹ
- Bà NGUYỄN THỊ ĐỘNG          UV.pt Tương Tế
- Bà HÀ THỊ THANH                   UV.pt Tương Tế
- Ông NGUYỄN THUẬN              UV.pt ANTT
- Bà NGUYỄN THỊ HOA              UV.pt Hậu Cần
- Bà TRỊNH THỊ THÁI                  UV.pt Hậu Cần
- Bà NGUYỄN THỊ TÍNH             UV.pt Hậu Cần
- Bà PHAN THỊ HUỆ                     UV.pt Hậu Cần.

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ HƯNG ĐẠO ĐẠI VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN

     Trần Quốc Tuấn, sinh ngày 10 tháng Chạp năm Mậu Tý (1228). Ông là con thứ 2 của Khâm Minh Đại Vương Trần Liễu, mẹ là Đoan Túc. Quê Ông ở làng Tức Mặc, xã Lộc Vượng, ngoại thành Nam Định. Viết về sự khai nguyên của dòng dõi nhà Trần, sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên chép rằng :"Có người tên Kinh đến ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, sinh ra Hấp, Hấp sinh ra Lý, Lý sinh ra Thừa, đời đời làm nghề đánh cá". Như vậy Trần Thừa là ông nội của Trần Quốc Tuấn, và Trần Cảnh tức là vua Trần Thái Tông là chú ruột của Người.
     Trần Quốc Tuấn ra đời trong thời kỳ đầu của vương triều nhà Trần mở nghiệp. Từ nhỏ ông đã có năng khiếu về văn chương và võ lược. Được giáo dục và rèn luyện trong môi trường rất tốt của hoàng tộc, nên khi lớn lên ông trở thành người có học vấn uyên bác, lại thấu hiểu cả lục thao, tam lược. Là người thông minh xuất chúng nhưng bản tính của Người lại rất bình dân, Người thường kết giao với các văn nhân, anh hùng, hào kiệt trong nước với thái độ khoan hòa, độ lượng nên rất được mọi người kính trọng.
     Năm Tân Hợi (1251), ông lấy công chúa Thiên Thành làm vợ, sinh hạ được năm người con gồm bốn trai, một gái và một người con gái nuôi :
     1. Trần Quốc Hiến - Hưng Trí Vương.
     2. Trần Quốc Nghiễn - Hưng Vũ Vương.
     3. Trần Quốc Tảng - Hưng Nhượng Vương.
     4. Trần Quốc Uy - Hưng Hiến Vương.
     5. Quyên Thanh Quận Chúa (vợ của vua Trần Nhân Tông, được phong làm Khâm Từ Hoàng Hậu).
     6. Anh Nguyên Quận Chúa (con gái nuôi và là vợ của danh tướng Phạm Ngũ Lão).
     Vai trò của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trong ba lần kháng chiến chống quân Nguyên-Mông :
     1/- Kháng chiến chống quân Nguyên-Mông lần thứ nhất (1257-1258) :
     Sau khi nhanh chóng thu phục toàn bộ đất nước Trung Quốc rộng lớn, tháng 12 năm 1257, Đại Hãn Mông Kha, cho Ngột Lương Hợp Thai đưa quân tới biên giới để uy hiếp Đại Việt. Cùng với nhiều tướng giỏi của nhà Nguyên như Hoài Đô, Triệt Triệt Đô, A Truật ... Ngột Lương Hợp Thai thống lĩnh khoảng ba vạn quân kỵ và bộ chia làm hai đạo theo đường sông Thao tiến đánh nước ta.
     Dò trước được âm mưu xâm lược của quân Nguyên, từ tháng 9 năm Đinh Tỵ (1257), vua Trần Thái Tông đã xuống chiếu cho tả, hữu tướng quân dưới quyền chỉ huy của Tiết Chế Trần Quốc Tuấn, đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới, mở đầu cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông lần thứ nhất (1257-1258). Khi giặc Nguyên tràn vào, vua Trần Thái Tông đem các tướng và đạo quân ra khỏi Thăng Long tiến lên phía bắc đón đánh quân giặc, đồng thời ra lệnh cho triều đình, hoàng gia rười Thăng Long về vùng Hoàng giang lánh giặc.
     Ngày 29 tháng 01 năm 1258, đã diễn ra trận đánh quyết định giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông lần thứ nhất, là trận Đông Bộ Đầu (bến Đông, gần đầu cầu Long Biên Hà Nội) thu phục lại kinh thành. Trong trận đánh này Trần Quốc Tuấn giữ quyền Tiết Chế - tức tướng chỉ huy trận đánh.
      Với tài thao lược điều binh khiển tướng, ngay trong trận đầu kháng chiến chống xâm lược Nguyên-Mông, Trần Quốc Tuấn đã góp phần to lớn trong thắng lợi chung của toàn dân tộc.
      2/- Kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ hai (1284-1285) :
      Tháng 10 năm Quý Mùi (1283) vua Trần tổ chức tập trận thủy bộ lớn. Trao quyền Quốc Công Tiết Chế cho Trần Quốc Tuấn, thống lĩnh đội quân toàn quốc.
      Tháng 9 năm Giáp Thân (1284) Trần Quốc Tuấn tổ chức duyệt binh ở bến Đông Thăng Long, "Hịch Tướng Sĩ Văn" của Trần Quốc Tuấn đã được soạn và công bố, làm nức lòng quân đội. Nhiều người tự động thích vào cánh tay mình hai chữ "Sát Thát" để bày tỏ quyết tâm giết giặc.
      Trần Quốc Tuấn đưa đại quân lên trấn giữ vùng phía Bắc (Lạng Sơn - Hà Bắc), đại bản doanh đóng ở ải Nội Bàng, bố trí canh phòng và sẵn sàng đón đầu đánh giặc.
      Tháng 01 năm Ất Dậu (1285), Hốt Tất Liệt cử con trai là Thoát Hoan cầm đầu đại quân Nguyên tấn công vào Đại Việt. Triều đình nhà Trần lại rời kinh thành Thăng Long, tập trung lực lượng về Thiên Trường, rồi bí mật đưa triều đình theo đường biển lánh ra vùng Am Bang lên Vạn Kiếp. Một số vương hầu nhà Trần lục tục ra hàng giặc, trong đó đầu sỏ của kẻ chủ bại là Trần Ích Tắc, em ruột của Thượng Hoàng Thánh Tông. Tới Vạn Kiếp Thượng Hoàng Thánh Tông triệu Trần Quốc Tuấn đến hỏi :
"Nay thế giặc như vậy, trẫm muốn hàng để cứu sinh mạng muôn dân". Trần Quốc Tuấn trả lời rất kiên quyết :"Hãy chém đầu thần trước rồi sẽ hàng ! ".
      Ngày 10 tháng 6 năm Ất Dậu (1285), sau khi hạ đồn A Lỗ, các đạo quân của Trần Quốc Tuấn tập kích đánh địch ở Tây Kết, ở sông Như Nguyệt và trận Vạn Kiếp phá tan đại quân Nguyên, tướng giặc Nguyên là Lý Hằng và Lý Quán đều chết tại trận, Thoát Hoan chui đầu vào ống đồng để lính khiêng chạy trốn qua biên giới thoát chết. Cánh quân của Toa Đô từ Thanh Hóa vượt biển tiến ra phía bắc để tìm đại quân Thoát Hoan, nhưng bị quân Trần đón đánh ở Thiên Trường - Thiên Mạc, ngày 24 tháng 6 Toa Đô bị bắt và chém đầu. Ngày 9 tháng 7 triều đình và quân đội nhà Trần đại thắng, trở về Thăng Long.
     3/- Kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ ba (1287-1288) :
     Ngày 19 tháng 12 năm Đinh Hợi (1287). Tin quân Nguyên phạm đến đất biên giới đưa về triều đình. Vua Trần hỏi Trần Quốc Tuấn về việc đánh giặc. Trần Quốc Tuấn trả lời gọn : "Năm nay, giặc dễ đánh".
     Tháng 12, dưới sự thống lĩnh của Thoát Hoan, quân Nguyên lại tràn sang xóm làng Đại Việt bằng đường bộ và đường thủy với lực lượng hùng hậu hơn nhiều lần trước đây, gần 600 chiếc hải thuyền do Ô Mã Nhi chỉ huy, tiến theo đường biển vào sông Bạch Đằng rồi đến Vân Đồn. Hàng vạn quân Vân Nam của giặc Nguyên từ hướng sông Hồng tràn vào kinh thành. Thoát Hoan cầm đại quân chia đường tiến qua cửa ải Lạng Sơn xuống hội quân ở Vạn Kiếp. Thoát Hoan cho xây dựng củng cố vùng này thành căn cứ rồi tiếp tục tiến quân về Thăng Long giao chiến với quân Trần.
     Tháng 2 năm Mậu Tý (1288), quân Trần lại bỏ Thăng Long rút về Hàm Nam (Hưng Yên), Thoát Hoan đến chiếm tòa kinh thành bỏ trống, huy động đại quân chia đường thủy bộ đuổi theo quân Trần. Quân Trần rút thẳng ra biển, không giao chiến được với đại quân nhà Trần, Thoát Hon phải lộn về Thăng Long cát cứ.
     Bị đánh từ nhiều mặt, những chiến thuyền tải lương của giặc đã bị các cánh quân của Trần Quốc Tuấn đánh tan. Tháng 3, quân giặc phải bỏ Thăng Long rút về Vạn Kiếp. Tháng 4, Thoát Hoan chia quân rút chạy về nước, quân giặc rút chạy theo đường sông Bạch Đằng. Ở đấy ngày 9 tháng 4 năm 1288 chúng đã bị Trần Quốc Tuấn bố trí địa cọc ngầm, kết hợp với quân thủy bộ và dân binh đánh tiêu diệt, thu hơn 400 thuyền bắt sống Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ ... giết chết Trương Ngọc và rất nhiều quân sĩ. Đại quân Thoát Hoan chạy theo đường bộ cũng bị quân Trần chặn đánh liên tiếp từ Vạn Kiếp đến biên giới, tổn thất rất nặng nề. Thoát Hoan cùng đám tàn quân trốn được về nước. Hốt Tất Liệt hạ chỉ đày Thoát Hoan đi Dương Châu suốt đời không cho gặp mặt.
     Ngày 28 tháng 4 năm 1288 Vua Trần và triều đình chiến thắng trở về kinh đô Thăng Long.
     Tháng 4 năm Kỷ Sửu (1289) Vua Trần nghị triều xét thưởng công trạng đánh dẹp giặc Nguyên, Trần Quốc Tuấn được tiến phong Hưng Đạo Đại Vương, được chép sự tích vào tập "Trùng Hưng thực lục" và cho vẽ tượng để lưu truyền hậu thế.
     Tháng 8 năm Canh Tý (1300), Trần Quốc Tuấn mất. Là chủ soái của hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên năm 1285 và 1288, giữ vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến năm 1258, Trần Quốc Tuấn là linh hồn và người có công đầu trong sự nghiệp giữ nước của đời Trần. Là nhà quân sự thiên tài, Trần Quốc Tuấn còn là nhà chính trị lão luyện, hành động thận trọng, chú trọng đoàn kết và bồi dưỡng lực lượng đánh giặc. Lúc sắp mất ông còn dặn vua : "Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc". Có tài biến tác, Trần Quốc Tuấn là người soạn ra các giáo trình nổi tiếng : Hịch tướng sĩ văn, Binh gia diệu lý yếu luận và Vạn Kiếp tông bí truyền thư. Ông là người chăm lo và có công đào tạo nhiều nhân tài văn võ : Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng, Trương Hán Siêu, Trần Thì Kiến...
     Sau khi ông mất, vua Trần Nhân Tông ra sắc truy phong đẳng tước cho ông là :
                      Thái Sư thượng Phụ
                      Thượng Quốc Công
                      Hưng Đạo Đại Vương
                      Trần Quốc Tuấn.
     Cuộc đời của Trần Quốc Tuấn là một tấm gương sáng về lòng trung nghĩa, luôn đặt lợi ích của quốc gia lên trên lợi ích của gia tộc. Cha ông là An Sinh Vương Trần Liễu vốn có hiềm khích với Trần Nhân Tông, lúc sắp mất Trần Liễu cầm tay ông mà trăn trối rằng : "Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được". Trần Quốc Tuấn ghi để điều đó trong lòng, nhưng cho là không phải. Đến khi vận nước lung lay, quyền quân, quyên nước đều ở nơi ông, ông đem lời cha dặn nói với gia tướng là Dã Tượng và Yết Kiêu, cả hai gia tướng can ông :"làm thế tuy được phú quý một đời nhưng lại để tiếng xấu ngàn năm !", Trần Quốc Tuấn nghe xong rất cảm động, khen ngợi hai người.
     Đại Việt Sử Ký ghi lại câu chuyện : "Một hôm Trần Quốc Tuấn vờ hỏi con ông là Hưng Vũ Vương 
     - Người xưa có cả thiên hạ để truyền lại cho con cháu, con nghĩ thế nào ? Hưng Vũ Vương trả lời :
     - Dẫu khác họ cũng không nên huống chi là cùng một họ.
     Trần Quốc Tuấn ngầm cho là phải. Một hôm lại đem chuyện ấy hỏi người con thứ là Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, Quốc Tảng thưa :
     - Tống Thái Tổ vốn là người làm ruộng, thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ.
     Trần Quốc Tuấn nghe xong giận dữ rút gươm kể tội :
     - Tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu này mà ra!      
     Định giết Quốc Tảng, Hưng Vũ Vương hay tin vội chạy tới khóc lóc, xin chịu tội thay cho em. Trần Quốc Tuấn mới tha. Ông dặn Hưng Vũ Vương
     - Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng !
     Tấm lòng trung nghĩa của Thái Sư Thượng Phụ Thượng Quốc Công Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn sáng trong như vầng nhật nguyệt, soi tận cho đến mai sau, trở thành khí thiêng muôn đời cho sông núi, cho dân tộc Việt Nam ta. Trong tâm thức của nhân dân ta, Người là bậc Thánh nhân "Sinh vi tướng, tử vi Thần", do đó nhân dân suy tôn Người là "Đức Thánh Trần", "Đức Thánh Cha". Lúc sinh thời Người vì dân, vì nước, khi mất đi Người hiển hách cứu độ chúng sinh. Người cao xa nhưng lại gần gũi, Người vĩ đại nhưng lại giản dị bình thường, tưởng nhớ đến Người, nhân dân lập đền thờ "Đức Thánh Trần" ở nhiều nơi trong cả nước. Trong đó Đền Trần tại Nha Trang là đền thờ duy nhất ở khu vực miền Trung và cũng là nơi tổ chức nhiều cuộc lễ hội về Đức Thánh Trần, đặc biệt là lễ hội chiến thắng Bạch Đằng Giang đã được tổ chức với quy mô và hình thức rất long trọng./-