ĐỀN THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN-HƯNG-ĐẠO 124 Đường Nguyễn-Trãi Nha-Trang.

ĐỀN THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN-HƯNG-ĐẠO 124 Đường Nguyễn-Trãi Nha-Trang.
ĐỀN THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN HƯNG-ĐẠO ĐẠI-VƯƠNG - Số 124 Đường Nguyễn-Trãi, Thành Phố Nha-Trang.

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

CÁC NGÀY LỄ HỘI - VÍA KỴ TRONG NĂM

CÁC NGÀY LỄ HỘI - VÍA KỴ TRONG NĂM TẠI BẢN ĐỀN. (Tính theo âm lịch)

- Ngày 8 tháng 3 : Lễ hội kỷ niệm Chiến Thắng Bạch Đằng Giang năm Mậu Tý (1288).
- Ngày 20 tháng 8 : Kỷ niệm Ngày Thánh Hóa (Giỗ) của Đức Hưng Đạo Đại Vương.
- Ngày 10 tháng Chạp : Kỷ niệm Ngày Thánh Đản (ngày sinh) của Đức Hưng Đạo Đại Vương.

- Ngày 1 tháng 4 : Giỗ Đức Khải Thánh Vương Phụ  An-Sinh-Vương Trần Liễu.
- Ngày 1 tháng 6 : Giỗ Đức Khải Thánh Vương Mẫu - Thiện Đạo Quốc Mẫu.
- Ngày 28 tháng 9 : Giỗ Đức Vương-Phi Thiên-Thành Công-Chúa (tức Nguyên Từ Quốc Mẫu).

- Ngày 24 tháng 4 : Giỗ Hưng-Vũ Đại-Vương Trần Quốc Nghiễn.
- Ngày 6 tháng 3 : Giỗ Hưng-Hiến Đại-Vương Trần Quốc Uy .
- Ngày 7 tháng 5 : Giỗ Hưng-Trí Đại-Vương Trần Quốc Hiến.
- Ngày 3 tháng 8 : Giỗ Hưng-Nhượng Đại-Vương 
Trần Quốc Tảng.

- Ngày 9 tháng 9 : Giỗ Đệ Nhất Vương Cô Quyên-Thanh Công-Chúa, tức Thánh Nữ Nhân-Tôn Hoàng Hậu.
- Ngày 10 tháng 2 : Giỗ Đệ Nhị Vương Cô Thủy-Tiên Công-Chúa, tức Phạm Điện Soái Phu Nhân.

- Ngày 10 tháng 11 : Ngày sinh Trần Triều Điện Soái Tướng Quân Phạm Ngũ Lão.
- Ngày 5 tháng 5 : Giỗ Đức Phạm Ngũ Lão.

      Ngoài ra, vào các ngày tết Nguyên đán, ngày mồng một, ngày rằm hàng tháng. 
      Đền Trần Hưng Đạo - Nha Trang đều tổ chức cúng tế trang trọng theo nghi thức cổ truyền và luôn được nhân dân và chúng đệ tử đến chiêm ngưỡng và lễ bái./-

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

HỊCH TƯỚNG SĨ CỦA HƯNG ĐẠO ĐẠI VƯƠNG



     Ta thường nghe chuyện : Kỷ-Tín liều thân chịu chết thay cho vua Cao-Đế; Do-Vu lấy mình đỡ ngọn giáo cho vua Chiêu-Vương; Dự-Nhượng nuốt than để báo thù cho chủ; Thân-Khoái chặt tay để cứu nạn cho nước; Kỉnh-Đức là chức quan còn nhỏ, mà liều thân cứu vua Thái-Tôn được thoát vòng vây, Kiểu-Khanh là một bày tôi ở xa, mà kể tội mắng thằng Lộc-Sơn là quân nghịch tặc. Các bậc trung thành nghĩa sĩ ngày xưa, bỏ mình vì nước đời nào không có ? Giả sử mấy người cũng cứ bo bo theo lối thường tình chết già ở xó nhà, thì sao cho lưu danh sử sách, đến muôn ngàn đời như thế được?
     Nay các người vốn dòng võ tướng, không hiểu văn nghĩa, nghe những chuyện cổ tích ấy, nửa tin nửa ngờ, ta không nói làm gì nữa, ta hãy đem chuyện đời Tống-Nguyên mới rồi mà nói.
     Vương-Công-Kiện là người thế nào ? Tỳ-tướng của Vương-Công-Kiện là Nguyễn-Văn-Lập lại là người thế nào ? mà giữ một thành Điếu Ngư nhỏ mọn, chống với quân Mông-Kha kể hàng trăm vạn, khiến cho dân sự đời Tống đến nay còn đội ơn sâu.
Đường-Ngột-Ngải là người thế nào ? Tỳ-tướng của Đường-Ngột-Ngải là Xích-Tu-Tư lại là người thế nào ? mà xông vào chỗ lam chướng xa xôi, đánh được quân Nam-chiếu trong vài ba tuần khiến cho quân tướng đời Nguyên đến nay còn lưu tiếng tốt. Huống chi ta cùng các người sinh ở đời nhiễu nhương, gặp phải buổi gian nan này, từng thấy những ngụy-sứ đi lại rầm rập ngoài đường uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt thế phu, lại cậy thế Hốt-Tất-Liệt mà đòi ngọc lụa, ỷ thế Vân-Nam-Vương để vét bạc vàng, của kho có hạn, lòng tham không cùng, khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, giữ sao cho khỏi tai vạ về sau !
     Ta đây, ngày thì quên ăn, đêm thì quên ngủ, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức rằng chưa được xả thịt lột da quân giặc, dẫu thân nay phơi ngoài nội cỏ, xác này gói trong da ngựa, thì cũng đành lòng. Các ngươi ở cùng ta coi giữ binh quyền, cũng đã lâu ngày, không có áo thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho ăn, quan còn nhỏ thì ta thăng thưởng, lương có ít thì ta tăng cấp, đi thủy thì ta cho thuyền, đi bộ thì ta cho ngựa, lúc hoạn nạn, thì cùng nhau sống chết, lúc nhàn hạ thì cùng nhau vui cười, những cách cư xử so với Vương-Công-Kiên, Đường-Ngột-Ngải ngày xưa cũng chẳng kém gì.
     Nay các người trông thấy chủ nhục mà không biết lo, trông thấy quốc sỉ mà không biết thẹn, thân làm tướng phải hầu giặc, mà không biết tức, tai nghe nhạc để hiến ngụy-sứ mà không biết căm, hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển, hoặc vui thú về ruộng vườn, hoặc quyến luyến với vợ con, hoặc nghĩ lợi riêng mà quên việc nước, hoặc ham về săn bắn mà quên việc binh, hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát. Nếu có giặc đến, thì cựa gà trống sao cho đâm thủng được áo giáp, mẹo cờ bạc sao cho chống nổi được quân mưu, dẫu rằng ruộng lắm tiền nhiều, thân ấy nghìn vàng khôn chuộc; và lại vợ bíu con díu, nước này trăm sự nghĩ sao ? tiền của đâu mà mua cho được đầu giặc, chó săn ấy thì địch sao nổi quân thù; chén rượu ngon không làm được cho giặc chết; tiếng hát không làm được cho giặc điếc tai, mà khi bấy giờ chẳng những là thái ấp của ta không còn, mà bổng lộc của các ngươi cũng hết, chẳng những là gia quyến của ta bị đuổi, mà vợ con của các ngươi cũng nguy, chẳng những là ta chịu nhục bây giờ, mà trăm năm về sau, tiếng xấu vẫn còn mãi mãi, mà gia thanh của các ngươi cũng chẳng khỏi mang tiếng nhục, đến lúc bấy giờ các ngươi dẫu muốn vui vẻ, phỏng có được hay không ?
     Nay ta bảo thật các ngươi, nên cẩn thận như nơi củi lửa, nên giữ gìn như kẻ húp canh, dạy bảo quân sĩ, hoặc tập cung tên, khiến cho người nào cũng có sức khỏe như Bàng-Mông, Hậu-Nghệ thì mới có thể dẹp tan được quân giặc, mà lập nên được công. Chẳng những là thái ấp của ta được vững bền, mà các ngươi cũng đều được hưởng bổng lộc, chẳng những gia quyến của ta được yên ổn, mà các ngươi cũng đều được vui vợ con, chẳng những là tiền nhân ta được vẻ vang, mà các ngươi cũng được phụng thờ tổ-phụ, trăm năm vinh hiển, chẳng những là một mình ta được sung sướng mà các ngươi cũng được lưu truyền sử sách, nghìn đời thơm tho; đến bấy giờ dầu các ngươi không vui vẻ cũng tự khắc được vui vẻ.
     Nay ta soạn hết các binh pháp của các nhà danh gia hợp lại làm một quyển gọi là "Binh thư Yếu lược". Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này, theo lời dạy bảo, thì mới phải đạo thần tử, nhược bằng khinh bỉ sách này, trái lời dạy bảo, thì tức là kẻ nghịch thù.
     Bởi cớ sao : Bởi giặc Nguyên cùng ta là kẻ thù không đội trời chung, thế mà các ngươi cứ điềm nhiên không nghĩ đến việc báo thù, lại không biết điều quốc sỉ, khác nào như quay ngọn giáo mà đi theo kẻ thù, giơ tay không mà chịu thua quân giặc, khiến cho sau trận Bình Lỗ mà ta phải chịu tiếng xấu muôn đời, thì còn mặt mũi nào đứng trong trời đất nữa. Vậy nên ta phải làm ra bài hịch này để cho các ngươi biết bụng ta ./-

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

BẢN DỊCH CÁC CÂU ĐỐI - HOÀNH PHI

     Tại Đền Trần Hưng Đạo - Nha Trang có một số câu đối và hoành phi được bố trí ở các khu vực trong và ngoài chánh điện. Những câu đối này khái quát cả cuộc đời và công đức của Đức Trần Hưng Đạo; bày tỏ lòng biết ơn sâu xa của chúng đệ tử đối với Người.
     Chúng tôi xin phép được dịch các hoành phi câu đối này hầu góp phần làm rõ thêm về tục thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo của nhân dân Nha Trang - Khánh Hòa. (Bản dịch theo thứ tự từ ngoài vào trong).
     I/- CỔNG TAM QUAN :
     CÂU 1 : (câu đối tại cổng tam quan)
     Nguyên âm :
     Thủy trận dụng triều lưu vi Nam Quốc Hải quân chi tổ ;
     Kim chi tác can lỗ phá Bắc phương Nguyên khấu chi sư.

     Nghĩa là :
     Dùng nước triều lập trận phá ngoại xâm, đời sau tôn thành "Hải quân chi tổ" ;
     Lấy cây rừng vót thành cọc nhọn, diệt quân Nguyên mưu ấy quả bậc Thầy.

     CÂU 2 : (câu đối ở 2 cổng phụ)
     Nguyên âm :
     Bắc nhạc giáng Thần cứu quốc anh hùng danh vạn kiếp (1);
     Nam thiên hiển Thánh tý dân công đức tự thiên niên.

     Nghĩa là :
     Núi Bắc giáng Thần, muôn kiếp lưu danh người anh hùng cứu nước ;
     Trời Nam hiển Thánh, ngàn năm thờ phụng bậc công đức che dân.

     Chú thích : (1) Vạn kiếp : Vừa có nghĩa là muôn đời, muôn kiếp đồng thời lại nhắc đến tên của nơi Đức Trần Hưng Đạo trở về.

     CÂU 3 : (câu đối phụ ở góc tường rào)
     Nguyên âm :
     Cứu quốc công huân Bắc địa uy linh thiên cổ miếu ;
     Tý dân phúc trạch Nam thiên chiêm ngưỡng nhất tân từ.

      Nghĩa là :
      Cứu nước công lao to lớn, miếu cũ ngàn năm đất Bắc rạng uy danh ;
      Che dân phúc trạch vô cùng, đền mới một tòa trời Nam đồng chiêm ngưỡng.

      II/- MẶT TIỀN CỦA CHÁNH ĐIỆN :
      CÂU 1 : (câu đối chính giữa mặt tiền)
      Nguyên âm :
      Bắc Hà thiếp kình ba vạn cổ Đằng Giang lưu vĩ tích ;
      Việt Nam an nhạn trạch thiên thu Nha Hải ngật linh từ.

      Nghĩa là :
      Bắc Hà phục kình ngư bình sóng cả, kỳ tích Bạch Đằng muôn thửa lưu danh ;
      Việt Nam yên cánh nhạn trở về xuôi, linh từ Nha Trang ngàn năm sừng sững.

      CÂU 2 :
      Nguyên âm :
      Lưỡng hồi xã tắc tương tướng xuất kim hoàng (1), quốc sử huân danh truyền Bách Việt ;
      Vạn kiếp anh linh Uông Sơn dư kiếm khí (2), binh gia thao lược túc thiên thu.

      Nghĩa là : 
      Hai lần vì xã tắc, "Tương tướng xuất kim hoàng", công lao ấy sử sách nước Nam tạc đá lưu danh truyền Bách Việt ;
      Vạn kiếp rạng uy linh, "Uông Sơn dư kiếm khí", tài năng kia thao lược binh gia đủ cho đất nước vững muôn đời.

      Chú thích :
      (1) Tương tướng xuất kim hoàng : "Tương tướng" là chỉ chức quan tối cao trong triều đình ngày xưa. "Kim hoàng" là cái ao vàng dùng để chứa nước. Ý của toàn câu này muốn nói vì nước nhà mà ngài đã không tiếc tấm thân vàng ngọc của mình để trực tiếp cầm quân ra chiến trận.
      (2) Uông sơn dư kiếm khí : "Uông sơn" là tên một địa danh thuộc Tỉnh Quảng Ninh ngày nay, nơi có một khúc sông Bạch Đằng chảy qua, cũng là nơi xưa kia Trần Hưng Đạo đóng đại bản doanh để điều khiển trận đánh Bạch Đằng. Cả câu này muốn ca ngợi sự dũng mãnh và tài năng tuyệt vời của Đức Quốc Công Tiết Chế Trần Hưng Đạo trong việc điều quân khiển tướng làm nên chiến thắng Bạch Đằng Giang năm Mậu Tuất (1288).

      III/- TRONG ĐIỆN :
      CÂU 1 : (bức hoành phi trước điện)
      Nguyên âm :
      Vạn Kiếp sơn cao

      Nghĩa là :
      Vạn Kiếp núi cao
      (còn có thể hiểu là muôn kiếp núi cao)

      CÂU 2 : (câu đối trước Hậu cung)
      Nguyên âm :
      Hồng Hà tú khí chung (1) đại tướng bảo bang do nhiệt huyết ;
      Bạch Đằng oai phong lẫm (2) địch quân quy quốc thượng hàn tâm.

      Nghĩa là :
      Hồng Hà tú khí chung linh, bảo vệ non sông Đại tướng sục sôi dòng máu đỏ ;
      Bạch Đằng oai phong lẫm liệt, cuốn vó về quê địch quân lẩy bẩy trái tim đen.

      Chú thích :
      (1) Người xưa khi viết câu đối này đã chủ ý bỏ đi một từ nhằm tạo nên vế đối 12 chữ. Câu đủ là "Hồng Hà tú khí chung linh" có nghĩa là vùng châu thổ sông Hồng là nơi có nhiều vượng khí đã hun đúc nên những nhân kiệt cho đời.
      (2) Câu đủ là "Bạch Đằng oai phong lẫm liệt" ý muốn nói đến thế dũng mãnh của quân ta trong trận chiến Bạch Đằng Giang.

      CÂU 3 : (câu đối ở hai bên Hậu cung)
      Nguyên âm :
      Nam nhạc (3) giáng Thần vạn cổ anh phong chung tú khí ;
      Đông A (4) hiển Thánh ức niên hương hỏa trạc linh thanh.

      Nghĩa là :
      Giáng Thần ở núi Nam, muôn thửa anh phong như chuông ngân lung linh thoát tục ;
      Hiển Thánh tại thời Trần, ức năm hương hỏa mãi chói ngời tiếng vọng anh linh.

      Chú thích :
      (3) và (4) : Nam nhạc : Ở câu đối ngoài mặt tiền của chánh điện có dùng chữ "Bắc nhạc giáng Thần" để đối với vế hai là "Nam thiên hiển Thánh". Trong trường hợp đó ta hiểu rằng Bắc nhạc có nghĩa là núi ở Miền Bắc Việt Nam và Nam thiên có nghĩa là trời của phương Nam Việt Nam. Nay lại dùng chữ "Nam nhạc giáng Thần" chúng ta nên hiểu Nam nhạc này là núi của Việt Nam. Để đối lại vế "Đông A hiển Thánh" tức là hiển Thánh tại thời Trần. Vế đối này lấy không gian để đối với thời gian khác với câu đối trên là lấy không gian đối với không gian./-
      
 Người dịch : Hình Phước Liên.


     

HÁT VĂN ĐỨC THÁNH TRẦN TRIỀU


Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

BẠCH ĐẰNG GIANG - LƯU HỮU PHƯỚC


   Bạch Đằng Giang
  Tác giả:
Nhạc : Lưu Hữu Phước
  Nơi gửi:
Sưu Tầm - Võ Hiếu Đức K1 Ô2 56/H2 Phan Văn Tình, Thị trấn Thủ Thừa, Huyện Thủ Thừa - Long An
  Nghe nhạc      
  Tư liệu lịch sử liên quan đến ca khúc:
SÔNG BẠCH ĐẰNG
Sông Bạch Đằng là một chi lưu của sông Thái Bình, đổ ra biển Đông qua cửa mang cùng tên là Bạch Đằng. Sông Bạch Đằng cũng tức là sông Vân Cừ, tục danh là sông Rừng, dài hơn 20 km và rộng trung bình gần 2 km. Đây là ranh giới tự nhiên giữa huyện Thủy Nguyên của thành phố Hải Phòng với huyện Yên Hưng của tỉnh Quảng Ninh. 
Sông Bạch Đằng là nơi đã chứng kiến ba trận thuỷ chiến rất ác liệt giữa quân dân ta với bọn xâm lăng. Trận thứ nhất diễn ra vào năm 938 giữa một bên là quân dân ta do danh tướng Ngô Quyền tổng chỉ huy với một bên là giặc Nam Hán. Quân Nam Hán đã bị đại bại thảm hại. Tướng tổng chỉ huy quân xâm lăng là Hoằng Thao bị giết chết. Hoàng Đế của Nam Hán lúc bấy giờ là Nam Hán Cao Tổ (917-942) chỉ còn biết ngửa mặt lên trời mà than khóc. Trận thứ hai diễn ra vào năm 981 giữa quân dân Đại Cồ Việt do đích thân Hoàng Đế Lê Hoàn làm tổng chỉ huy với một bên là quân Tống. Quân Tống bị đại bại thảm hại. Hoàng Đế nhà Tống lúc đó là Tống Thái Tông (976-997) đã phải kinh ngạc trước tài thao lược tuyệt vời của Lê Hoàn. Trận thứ ba diễn ra vào năm 1288 giữa một bên là quân dân Đại Việt do bậc đại danh tướng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn làm tổng chỉ huy với một bên là kiệt tướng dày dạn kinh nghiệm trận mạc của quân Mông Nguyên là Ô-mã-nhi làm tổng chỉ huy. Quân dân Đại Việt đã giành toàn thắng. Đạo quân khét tiếng tàn bạo và thiện chiến của giặc bị tiêu diệt. Cây đại bút của văn học dân tộc lúc bấy giờ là Trương Hán Siêu viết :
  Đến nay, nước sông vẫn chảy hoài
Mà nhục quân thù không rửa hết.
Sông Bạch Đằng là dòng sông của những trận đại thắng, dòng sông có vinh dự được ghi nhận những võ công chống xâm lăng oai hùng vào hàng bậc nhất của lịch sử dân tộc ta. 

HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG - LƯU HỮU PHƯỚC



   Hội nghị Diên Hồng
  Tác giả:
Lưu Hữu Phước
  Nơi gửi:
Sưu Tầm - Nguyễn Huy Giao số 11, ngõ 130, phố An Dương, Q.Tây Hồ, Hà Nội ĐT:7167514
  Nghe nhạc      
  Tư liệu lịch sử liên quan đến ca khúc:
DIÊN HỒNG
Để chủ động đối phó với dã tâm của đế quốc Mông Nguyên, năm 1282, triều Trần đã triệu tập đội ngũ quý tộc và tướng lĩnh cao cấp đến tham dự hội nghị Bình Than để bàn định chiến lược và những kế sách cụ thể trong cuộc đọ sức không thể nào tránh khỏi với kẻ thù. Cuối năm 1284, để thống nhất ý chí và cũng là đệ tập hợp sức mạnh của toàn dân, triều đình nhà Trần đã trân trọng mời các vị bô lão đại diện cho nhân dân các làng xã về dự một cuộc hội nghị đặc biệt tổ chức tại kinh thành Thăng Long. Địa điểm hội nghị là cung điện Diên Hồng, vì thế, sử thường gọi đây là Hội nghị Diên Hồng. Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và Hoàng Đế Trần Nhân Tông đích thân chủ trì hội nghị. Tại hội nghị Diên Hồng, các vị bô lão đã được chính thức nghe thông báo những tin tức về việc quân giặc đã áp sát biên giới phía bắc nước ta và cho biết Nếu chấp nhận hòa với quân giặc nghĩa là mất tất cả còn như nếu toàn dân đồng lòng liều chết để đánh thì có thể giữ được tất cả. Vậy, Đại Việt nên hòa hay nên đánh. Và tiếng hô quyết đánh đã rung chuyển cả điện Diên Hồng. Hiểu được lòng dân, nhà Trần đã tự tin vạch ra được những kế sách chống xâm lăng sắc sảo và chuẩn xác. Thắng lợi vĩ đại của cuộc chiến tranh vệ quốc chống quân Mông Nguyên diễn ra vào năm 1285 gắn chặt với thành công của cuộc hội nghị này.

Hội nghị Diên Hồng là một sáng tạo rất độc đáo của nhà Trần, là biểu hiện của ý thức tin tưởng vào sức mạnh và trí tuệ của toàn dân. Nhiều nhà sử học đã trân trọng gọi đây là điển hình của tinh thần dân chủ thời trung đại.

GIỚI THIỆU ĐỀN THỜ (Tiếp theo)

           Bước vào nội điện, ở ngay bức vách đối diện với hậu cung là bức hoành phi sơn son thếp vàng dài hơn 2 mét đề bốn chữ "Vạn Kiếp Sơn Cao" với nét bút thật khỏe khoắn và sắc sảo. Hai gian tả hữu chính điện hầu như không có ban thờ, ở vách trái là bức bích họa "Hội Nghị Diên Hồng" và vách phải là bức "Chiến Thắng Bạch Đằng" tạo nên sự thoáng đãng khác với nhiều ngôi đền mà ta thường gặp. Ngày thường hai gian tả hữu là nơi để đại hồng chung và trống, đến lúc có lễ hội thì đây là nơi để cho quan khách và tín hữu hành hương, dự hội tựu vị khi hành lễ. Với cấu trúc này đã làm giảm đi cái không khí thâm u, huyền bí vốn có của nhiều ngôi đền cổ ở nước ta mà chỉ tạo cho người hành hương cảm giác như đang về với từ đường của gia tộc.
          Gian giữa của chính điện là nơi tập trung thờ tự, các bàn thờ được xếp thứ tự từ ngoaifvaof trong như sau :
          Bàn thờ Ban Công Đồng : Được đặt cách ngạch cửa chính vừa đủ bốn chiếu lạy. Bàn thờ được làm bằng gỗ, sơn son thếp vàng và được chạm trổ rất tinh xảo. Theo các cụ cho biết thì tất cả bàn thờ, bệ thờ trong chính điện đều được chọn kích cỡ theo Thước Lỗ Ban, và kích thước của bàn thờ Ban Công Đồng là : Rộng 1m28, ngang 3m, cao 1m28 ứng với cung : nạp phúc, Đăng khoa - Quý tử, Nạp phúc. Trên bàn thờ Ban Công Đồng là bộ ngũ sự bằng đồng sáng loáng và các bình hoa, cổ bồng (mâm đựng trái cây). Giữa bàn thờ là một lồng kính bên trong đặt một bộ hia và chiếc mão màu đỏ.(là vật thờ mang tính ước lệ cho các vị Vương tử, gia tướng của Đức Thánh Trần và tất cả các văn quan, võ tướng). Phía sau lồng kính là bộ bát bửu (lỗ bộ) bằng đồng rất tinh xảo và mỗi binh khí chỉ dài chừng 7 tấc và chúng tôi nghĩ rằng những từ khí này chắc cũng được chế tạo theo kích thước Lỗ Ban.
          Bàn thờ linh vị Đức Thánh Trần : Được đặt nối sát với bàn thờ Ban Công Đồng và caohown một tấc. Bàn làm bằng gỗ sơn đỏ và không chạm trổ. Kích thước như sau : Cao 1m39 (cung Thuận khoa và Hoạch tài), ngang 1m98 (cung Đăng khoa), rộng 1m20 (cung Đăng khoa). Cũng như bàn thờ Công Đồng, bàn thờ linh vị Đức Thánh Trần gồm bộ ngũ sự, bình hoa, cổ bồng... chính giữa là linh vị cao chừng 5 tấc được đặt trong lồng kính. Linh vị đề tước hiệu của Ngài được Vua Trần Anh Tông ban sắc truy phong :"Linh Vị Thái Sư Thượng Phụ Thượng Quốc Công Bình Bắc Đại Nguyên Soái Long Công Thịnh Đức, Vĩ Liệt Hồng Huân Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương Thần Vị".
          Hậu Cung : Được thiết lập cách với bàn thờ linh vị Đức Thánh Trần một chiếu lạy. Mặt nền nhà của hậu cung cao hơn sàn đền một tấc. Hai bên có cặp liễn đối bằng gỗ được sơn son thếp vàng lộng lẫy, câu đối nằm ngay hậu cung đề :
          "Hồng Hà tú khí chung, đại tướng bảo ban do nhiệt huyết,
          Bạch Đằng uy phong lẫm, địch quân quy quốc thượng hàn tâm".
          Câu đối nằm bên tả và hữu đề :
          "Nam nhạc giáng thần, vạn cổ anh phong chung tú khí;
          Đông A hiển Thánh, ức niên hương hỏa trạc linh thanh".
          Khi nghiên cứu về câu đối ở các Đình, Đền, Chùa, Miếu... thì câu đối ở cổng Tam quan và câu đối chính điện, hậu cung là quan trọng nhất.Thông thường câu đối ở Tam quan môn phải nói lên thế đất, địa danh của ngôi đền hay đình, chùa, miếu; còn câu đối ở hậu cung, chính điện thường là câu đối tôn vinh cong trạng và khắc họa nội dung tiêu biểu của đối tượng thờ tự.Vì vậy câu đối nơi hậu cung, chính điện bao giờ cũng là câu đối quan trọng nhất. Ở đây, câu đối ở hậu cung dường như được các cụ ta chủ động bỏ đi một chữ nhằm tạo nên một ẩn ý ?
          "Hồng Hà tú khí chung..." lý ra phải là "Hồng Hà tú khí chung linh" ; còn "Bạch Đằng uy phong lẫm..." lý ra phải là "Bạch Đằng uy phong lẫm liệt" thì mới chuẩn. Và tôi tin rằng hai từ "linh" và "liệt" kia nhất định là hai từ đã được chủ tâm lược bỏ. Bởi lẽ cụm từ "uy phong lẫm liệt" và "Tú khi chung linh" là những cụm từ rất thông dụng tại các Đền thờ.
          Khảo sát thực tế các câu đối ở các Đình, Đền, Miếu ở Khánh Hòa chúng tôi thấy rằng đều sử dụng câu đối có tổng số từ là số lẻ như 5, 7, 9, 11, 13... và hầu như chưa gặp trường hợp nào sử dụng câu đối với số từ là chẵn cả. Thế nhưng ở Đền Trần Hưng Đạo - Nha Trang lại dùng hầu hết câu đối hoành phi chính là số chẵn. Trong đó chỉ có hai câu đối phụ ở ngoài mặt tiền chính điện là 16 chữ, còn lại đều là 12 chữ. Phải chăng khi sử dụng dạng câu đối "Dương tính" này nhằm nói lên đây là "Đền thờ Cha" như câu ca dao thông dụng nói về lễ hội Thánh húy : "Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ". Đồng thời nói lên tính uy dũng của "Thượng Phụ Thượng Quốc Công Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn". Và việc bỏ bớt mỗi vế một từ trong mỗi câu đối nêu trên cũng nhằm tạo nên con số 12 như các câu đối khác. Ý kiến trên đây chúng tôi xin được đặt ra như một nghi vấn và rất mong các nhà nghiên cứu văn hóa quan tâm thêm.
          Bàn thờ Đức Thánh Trần ở hậu cung cũng là một tác phẩm chạm trổ gỗ tinh xảo, các chân bàn được chạm hình đầu rồng và những hoa văn rất đẹp. Bàn rộng 1m20 (ứng với cung Đăng khoa), ngang 1m98 (ứng với cung Đăng Khoa), cao 1m39 (ứng với cung Thuận khoa). Trên bàn thờ là bộ ngũ sự và bức tượng Đức Thánh Trần đầu đội Kim Khôi, mặc hồng bào, tay trái cầm cuốn binh thư ngồi trên ngai rồng sơn son thếp vàng. Toàn bộ bức tượng cao chừng 1 m (cả phần ghế) phía trước ghế là thanh kiếm lệnh, và linh ấn. Trông dáng vẻ của Đức Ngài thật trang nghiêm, uy vũ và thật là tự tại, Trước ngai là bộ bát bửu bằng đồng và chiếc lư đồng luôn khói hương nghi ngút và các mâm lễ vật dâng cúng đầy ắp.
          Hai bên trong cung là hai bệ thờ Nhị vị Vương Cô. Nếu nhìn từ ngoài vào thì bên trái thờ Đệ Nhất Vương Cô, còn bên phải thờ Đệ Nhị Vương Cô. Hỏi vì sao khi thờ Đức Thánh Trần lại thờ Nhị vị Vương Cô mà không ai khác thì các cụ đều không trả lời. Thế nhưng từ cách thờ ấy gợi cho chúng ta nhớ đến tục thờ Tam phủ, Tứ phủ ở Miền Bắc (tức thờ Mẫu) mà tục thờ Trần Hưng Đạo cũng có nguồn gốc từ tục thờ này.
          Đệ Nhất Vương Cô là Quyên Thanh Quận Chúa, con gái trưởng của Đức Trần Hưng Đạo sau được tiến cung và được phong làm Nhân Tông Hoàng Hậu. Theo Đệ Nhất Vương Cô bửu cáo thì Bà là một đáng anh thư lỗi lạc của Triều Trần, Bà vừa giỏi văn vừa tinh vũ lược. Bửu cáo viết :
          "Thông minh địa bộ, cốt cách Thiên sinh.
          Phi thiên ứng mộng, Long nữ tá hình.
          Đông A chi ngọc diệp lưu căn, giang sơn chung tú.
          Nam Việt chi kim âu vĩnh điện, thảo mộc quyết linh.
          Hương trú xuân viên, thụ kiếm nhi cao tiên chỉ điểm.
          Hoa bài trận pháp, huy kỳ nhi Nguyên khấu hổn kinh.
          ... ".
          Nghĩa là :
          "Thông minh nết đất, cốt cách tính trời.
          Đẹp tựa người tiên trong mộng, xinh như Long nữ mượn hình.
          Lá ngọc của Triều Trần, hun đúc bởi khí thiêng sông núi.
          Âu vàng của Đất Việt, kết tinh từ linh diệu thiên nhiên.
          Hương thơm bát ngát vườn xuân, giỏi kiếm pháp nhờ cao tiên chỉ dạy.
          Xếp hoa lập thành trận địa, phất tay cờ mà Thát Đát tan tành..."
          Tương truyền trong các cuộc đại phá quân Nguyên, Bà luôn sát cánh cùng Vương Phụ và được Đức Trần Hưng Đạo yêu thương rất mực. Vì vậy hầu như ở tất cả các Đền Trần và Đền thờ Mẫu của các phái Tam phủ, Tứ phủ thường đều thờ tượng Bà bên cạnh Đức Thánh Trần Hưng Đạo.
          Bệ thờ Đệ Nhị Vương Cô được đặt bên phải hậu cung Đức Thánh, các từ khí đều giống như bàn thờ Đệ Nhất Vương Cô. Tượng Bà cũng có cùng khuôn mẫu, áo mão, màu sắc đều giống tượng Đệ Nhất Vương Cô, chỉ khác là tay trái của Bà cầm thanh đoản kiếm.
          Theo chính sử thì Bà là Anh Nguyên Quận Chúa, con gái nuôi của Đức Trần Hưng Đạo và là phu nhân của Tướng Quân Phạm Ngũ Lão. Song khi hiển Thánh thì chúng đệ tử đều gọi Bà là "Đệ Nhị Vương Nữ, Thủy Tiên Công Chúa". Bửu cáo Đệ Nhị Vương Cô viết rằng :
          "Ngự phù mệnh phụ, tam giới trích Tiên.
          Đoan trang địa tư, cốt cách thiên linh.
          Hài đồng nhi thụ dưỡng Trần môn, Vương nữ liên xưng tỷ muội;
          Kê tự nhi vu quy Phạm tộc, Súy Thần hảo hợp lương duyên.
          Tòng tỷ xuân viên, vân chúng Tiên gia chi kiếm;
          Tán nhung duy ốc, phong minh dược lỉnh chi chiên."
          Nghĩa là :
          "Mệnh phụ chốn triều ca, trích tiên miền tam giới.
          Đoan trang nết đất, cốt cách trời sinh.
          Được Trần gia nuôi dưỡng tự ấu thơ, cùng Vương nữ Quyên Thanh kết tình tỷ muội;
          Tuổi cập kê được gả về Phạm tộc, cúng Súy Thần Ngũ Lão sánh mối lương duyên.
          Vườn xuân theo chị, trau dồi kiếm pháp của Tiên ông;
          Lều bạt thay nhà, tỏ rõ cao minh tài y dược..."
          Và cùng như Đệ Nhất Vương Cô Quyên Thanh Công Chúa, Bà cũng được chúng đệ tử của Đức Thánh Trần tôn vinh thờ tự.
          Ngoài những vị nhân Thần trên, Đền Trần Hưng Đạo - Nha Trang còn có bàn thờ Ngũ Dinh Đại Tướng - Ngũ Hổ Đại Thần (dân gian còn gọi là Ngài Năm Dinh). Bàn thờ "Năm Dinh" có kích thước kiêm tốn : rộng... ngang 1m30, cao 0m56 được đặt ngay bên dưới bàn thờ hậu cung Đức Thánh. Trên bàn thờ có hình Ngũ Hổ và bộ ngũ sự, và đay cũng chính là nơi các đệ tử thường đến xin xăm cầu phúc. Vì vậy mà ít khi bàn thờ thiếu vắng khói hương.
          Với cấu trúc thờ tự trên, chúng ta thaasys có rất nhiều nét tương đồng với các Đên Đức Thánh Trần ở Miền Bắc song hệ thống các bàn thờ đã giản lược rất nhiều.
          Đền Trần Hưng Đạo - Nha Trang là một vọng từ, song từ lâu đã thành một địa chỉ văn hóa quen thuộc của người dân Nha Trang - Khánh Hòa và ngày càng thu hút nhiều người tham quan,vọng bái vị anh hùng dân tộc kiệt xuất của đất nước ta. Để giữ gìn và phát huy hiệu quả xã hội của Đền Trần Hưng Đạo - Nha Trang trong thời kỳ mới, Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định số : 2577/UBQĐ, ngày 5 tháng 10 năm 1995, công nhận Đền Trần Hưng Đạo - Nha Trang là Di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh. Nhờ vậy, mà các hoạt động của Đền Trần Hưng Đạo - Nha Trang ngày càng thêm khởi sắc, xứng đáng là một điểm văn hóa - tâm linh của thành phố du lịch xinh đẹp và nổi tiếng.
          

          

GIỚI THIỆU ĐỀN THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN-HƯNG-ĐẠO NHA-TRANG

           Đền Trần Hưng Đạo tại Nha Trang là Đền thờ vọng. Đền được xây dựng nhằm thỏa mãn nhu cầu hướng về cội nguồn của những người con Miền Bắc vào Nha Trang, Khánh Hòa sinh sống từ những năm đầu thế kỷ 20. Lúc đầu Đền được xây dựng tại một khu đất nhỏ ở đường Phan Bội Châu - Phan Đình Phùng Nha-Trang. Sau đó Hội Ái Hữu Bắc Việt Tỉnh Khánh Hòa mà cụ thể là cụ Trần Minh Kính, Nguyễn Văn Nhật đứng ra khởi xướng việc xin đất, quyên tiền để xây lại vọng-từ khang trang hơn hầu xứng với công lao của Đức Trần Hưng Đạo.
           Sau hơn 8 năm ròng vận động, tích lũy kinh phí, ngày 28 tháng 03 năm 1962 Đền được khởi công xây dựng tại Khu Đồng Dưa, phường Phước Hải, Thị Xã Nha Trang, nay là số 124 đường Nguyễn Trãi, phường Phước Tân, Thành phố Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa.
           Trên diện tích rộng chừng hơn 200 m2, nhưng việc xây dựng Đền tại Khu Đồng Dưa này dường như các cụ tính toán rất kỹ lưỡng về thế đất, hường Đền theo luật phong thủy.
           Theo lời các cụ thì Đền được quay mặt về hướng Đông nhằm đón lấy ánh rực rỡ của mặt trời buổi sáng, là hướng của những chiến công hiển hách của Đức Trần Hưng Đạo còn lưu lại cho muôn đời con cháu mai sau và đặc biệt hướng Đông cũng là hướng phát tích của Ngài như hai câu mở trong Trần Thánh Đại Vương bửu cáo :"Đông A Đế trụ, Nam Đảo Tiên tung" tức là "Cột trụ của Đông A, giống trên vùng Nam Đảo". Chọn quay mặt hướng Đông, Đền Trần đã xác định lấy vịnh Nha Trang làm tiền án vậy.
           Còn nhớ những năm 60 của thế kỷ 20, Khu Đồng Dưa hãy còn thưa thớt lắm nhưng khu dân cư đã được định hình và đa phần là công chức gốc Miền Bắc và các tỉnh đàng ngoài vào Nha Trang làm việc và sinh sống và trong số họ có nhiều người là hội viên của Hội Ái Hữu Bắc Việt. Do vậy, chọn khóm dân cư làm hậu chẩm tuy không thật hợp lý về phong thủy song về tâm linh chọn khu dân cư làm điểm tựa thì còn gì tốt bằng. Còn Tả phù, Hữu bậc của Đền Trần chính là Hòn Núi Một và Núi Cảnh Long là hai trong bốn ngọn núi nổi tiếng tạo nên thế đất "Tứ thú tụ" cho Thành phố Nha Trang mà các nhà phong thủy còn gọi là "Kim quy đới tháp" và "Thanh long hý thủy". Chọn được thế đất như vậy trong một đô thị thì phải chờ đến 8 năm thì cũng thật là xứng đáng lắm.
           Là vọng-từ nên thiết kế xây dựng của Đền Trần Hưng Đạo ở Nha Trang có nhiều nét tương đồng với những ngôi Đền cổ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cổng Tam quan được xây ở dạng hình trụ trên có búp sen gồm hai trụ cao và hai trụ thấp nhằm tạo nên cổng chính và hai cổng phụ. Đây là cấu trúc cổng Tam quan đặc thù của các Đền thời Miền Bắc, nó thanh thoát nền nã với gam màu nhạt chứ không màu sắc như các cổng đình, chùa ở các tỉnh phía Nam. Cũng như các đền thờ hay đình chùa, cổng chính của Tam quan chỉ được mở mỗi khi có đại lễ, còn lại những ngày thường kể cả ngày sóc, vọng thì người ta chỉ được đi bằng cổng phụ mà thôi. Nối liên hai trụ chính là tấm biển đề : "Đền Thờ Đức Trần Hưng Đạo" . Thân trụ là câu đối :
          "Thủy trận dụng triều lưu, vi Nam quốc hải quân chi tổ;
          Kim chi tác can lỗ, phá Bắc phương Nguyên khấu chi sư".
          Hai trụ thấp tạo nên cổng phụ phía trái và phải của Tam quan là hai câu đối :
          "Bắc nhạc giáng thần, cứu quốc anh hùng danh vạn kiếp;
          Tý dân phúc trạch, Nam thiên chiêm ngưỡng nhất tân từ".
          Những câu đối trên đều tập trung nói về công lao vĩ đại của Đức Thánh Trần với non sông đất nước và vì vậy được các thế hệ ngày sau tôn vinh và phụng sự. Những câu đối trên phần nào đã nói lên ý nghĩa của ngôi Đền này chỉ là một Vọng-từ của miền đất phương Nam mà thôi.
          Qua khỏi Tam quan là một khoảng sân gạch, chính giữa là tấm bia đặt trước cửa chính điện ghi tóm tắt sự hình thành của ngôi đền như sau :
               DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA
                   ĐỀN TRẦN HƯNG ĐẠO
          Do sáng kiến của Hội Ái Hữu Bắc Việt, sau 8 năm kiên trì vận động, quyên góp đồng bào trong và ngoài Tỉnh Khánh Hòa, ngôi đền đã được xây dựng nhằm ngày 28-03-1962.
          Đây là ngôi đền thờ duy nhất ở Miền Trung Việt Nam vọng thờ ĐỨC HƯNG ĐẠO ĐẠI VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN người anh hùng kiệt xuất đã có công lớn lãnh đạo nhân dân Đại Việt ba lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông vào thế kỷ thứ 13.
          Ngày nay nhân dân Nha Trang vẫn luôn tu bổ, giữ gìn nơi đây cho muôn đời con cháu được đến chiêm ngưỡng, tưởng nhớ và noi theo ân đức của Hưng Đạo Đại Vương để xây dựng quê hương phồn vinh, thịnh vượng.
          Phía mặt sau của tấm bia ghi tên các vị đã có công sáng lập và phát huy di tích lịch sử văn hóa Đền Trần Hưng Đạo Nha Trang gồm các cụ : Trần Minh Kính, Nguyễn Văn Nhật, Nguyễn Đức Giản, Nguyễn Văn Nhâm, Hoàng Văn Thọ, Nguyễn Văn Thiện, Đặng Hữu Cừ, Lê Thị Mùi.
          Bia được xây dựng vào dịp Đền được Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Khánh Hòa ra quyết định công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh ngày 11-04-1997. Về hình thức và vị trí của tấm bia chúng ta có thể hiểu rằng tấm bia này đang làm nhiệm vụ của bức Án phong của Đền Trần - Nha Trang vậy.
Phía sau tấm bia và ngay vị đối diện của chính điện là một đỉnh trầm lớn cao gần l mét, dùng để thắp hương và cũng là nơi đón nhận đuốc thiêng được rước từ Tượng đài Trần Hưng Đạo về đây trong Lễ hội Chiến Thắng Bạch Đằng Giang - Lễ hội Ngày Thánh Hóa được tổ chức long trọng hàng năm. Và cũng ở vị trí trung tâm của sân đền là cột cờ có chữ "TRẦN" sắc nét, như khẳng định với trời xanh sự bất tử của Người trong lòng dân tộc Việt.
          Ở góc sân phía trái (từ ngoài nhìn vào) là ngôi Thủ kỳ thờ Thổ Thần và Âm linh luôn được khói hương chăm sóc.
          Nhìn chung tuy bị hạn chế bởi không gian và diện tích, song phần cấu trúc bên ngoài Đền Trần Hưng Đạo - Nha Trang là hết sức bài bản như bất cứ ngôi đền nào có điều kiện. Cũng cần nói thêm rằng, mỗi khi có đại lễ thì khoảng sân này và cả lề đường trước điện được sử dụng là nơi hành lễ theo quan niệm không gian mở chứ không hoàn toàn bị gò bó tại nơi chính điện.
          Điện thờ Đức Thánh Trần là gian nhà mái ngói uốn cong hình đầu đao vuốt nhẹ tạo nên sự mềm mại, uyển chuyển như nhiều ngôi đền, chùa mà ta thường thấy. Trên đỉnh đền hình tượng "Lưỡng Long triều nhật" được làm bắng sứ men màu lam pha lục. Đền chia làm ba gian hai chái. Chái Đông là nơi làm việc của Ban quản lý Đền, chái Tây là nơi để dành đãi khách khi có lễ lạt. Ba gian giữa được thiết kế nền cao hơn hai chái chừng nữa mét và cũng chính là chính điện của ngôi đền.
          Nhìn chung cấu trúc của chính điện Đền Trần   - Nha Trang có nhiều nét tương đồng với Đền Trần ở Cố Trạch - Nam Định. Mặt tiền của đền là hai bức hoành phi đắp nổi đề "Trần Triều Hiển Thánh Vọng Từ" và hai câu đối :
          "Bắc Hà thiếp kình ba, vạn cổ Đằng Giang lưu vĩ tích,
          Việt Nam an nhạn trạch, thiên thu Nha Hải ngật linh từ".
          Câu đối ở hai trụ bên là :
          "Lưỡng hồi xã tắc, tương tướng xuất kim hoàng, quốc sử huân danh truyền Bách Việt ;
          Vạn kiếp anhlinh, Uông Sơn dư kiếm khí, binh gia thao lược túc thiên thu".
          Nếu các câu đối ở cổng Tam quan cho ta biết đây là Vọng từ thờ Trần Hưng Đạo ở phương Nam thì đến câu đối ở mặt tiền chính điện đã nói rõ Đền thờ này là ở Nha Trang. (Thiên thu Nha Hải ngật linh từ).