Trần Quốc Tuấn, sinh ngày 10 tháng Chạp năm Mậu Tý (1228). Ông là con thứ 2 của Khâm Minh Đại Vương Trần Liễu, mẹ là Đoan Túc. Quê Ông ở làng Tức Mặc, xã Lộc Vượng, ngoại thành Nam Định. Viết về sự khai nguyên của dòng dõi nhà Trần, sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên chép rằng :"Có người tên Kinh đến ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, sinh ra Hấp, Hấp sinh ra Lý, Lý sinh ra Thừa, đời đời làm nghề đánh cá". Như vậy Trần Thừa là ông nội của Trần Quốc Tuấn, và Trần Cảnh tức là vua Trần Thái Tông là chú ruột của Người.
Trần Quốc Tuấn ra đời trong thời kỳ đầu của vương triều nhà Trần mở nghiệp. Từ nhỏ ông đã có năng khiếu về văn chương và võ lược. Được giáo dục và rèn luyện trong môi trường rất tốt của hoàng tộc, nên khi lớn lên ông trở thành người có học vấn uyên bác, lại thấu hiểu cả lục thao, tam lược. Là người thông minh xuất chúng nhưng bản tính của Người lại rất bình dân, Người thường kết giao với các văn nhân, anh hùng, hào kiệt trong nước với thái độ khoan hòa, độ lượng nên rất được mọi người kính trọng.
Năm Tân Hợi (1251), ông lấy công chúa Thiên Thành làm vợ, sinh hạ được năm người con gồm bốn trai, một gái và một người con gái nuôi :
1. Trần Quốc Hiến - Hưng Trí Vương.
2. Trần Quốc Nghiễn - Hưng Vũ Vương.
3. Trần Quốc Tảng - Hưng Nhượng Vương.
4. Trần Quốc Uy - Hưng Hiến Vương.
5. Quyên Thanh Quận Chúa (vợ của vua Trần Nhân Tông, được phong làm Khâm Từ Hoàng Hậu).
6. Anh Nguyên Quận Chúa (con gái nuôi và là vợ của danh tướng Phạm Ngũ Lão).
Vai trò của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trong ba lần kháng chiến chống quân Nguyên-Mông :
1/- Kháng chiến chống quân Nguyên-Mông lần thứ nhất (1257-1258) :
Sau khi nhanh chóng thu phục toàn bộ đất nước Trung Quốc rộng lớn, tháng 12 năm 1257, Đại Hãn Mông Kha, cho Ngột Lương Hợp Thai đưa quân tới biên giới để uy hiếp Đại Việt. Cùng với nhiều tướng giỏi của nhà Nguyên như Hoài Đô, Triệt Triệt Đô, A Truật ... Ngột Lương Hợp Thai thống lĩnh khoảng ba vạn quân kỵ và bộ chia làm hai đạo theo đường sông Thao tiến đánh nước ta.
Dò trước được âm mưu xâm lược của quân Nguyên, từ tháng 9 năm Đinh Tỵ (1257), vua Trần Thái Tông đã xuống chiếu cho tả, hữu tướng quân dưới quyền chỉ huy của Tiết Chế Trần Quốc Tuấn, đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới, mở đầu cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông lần thứ nhất (1257-1258). Khi giặc Nguyên tràn vào, vua Trần Thái Tông đem các tướng và đạo quân ra khỏi Thăng Long tiến lên phía bắc đón đánh quân giặc, đồng thời ra lệnh cho triều đình, hoàng gia rười Thăng Long về vùng Hoàng giang lánh giặc.
Ngày 29 tháng 01 năm 1258, đã diễn ra trận đánh quyết định giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông lần thứ nhất, là trận Đông Bộ Đầu (bến Đông, gần đầu cầu Long Biên Hà Nội) thu phục lại kinh thành. Trong trận đánh này Trần Quốc Tuấn giữ quyền Tiết Chế - tức tướng chỉ huy trận đánh.
Với tài thao lược điều binh khiển tướng, ngay trong trận đầu kháng chiến chống xâm lược Nguyên-Mông, Trần Quốc Tuấn đã góp phần to lớn trong thắng lợi chung của toàn dân tộc.
2/- Kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ hai (1284-1285) :
Tháng 10 năm Quý Mùi (1283) vua Trần tổ chức tập trận thủy bộ lớn. Trao quyền Quốc Công Tiết Chế cho Trần Quốc Tuấn, thống lĩnh đội quân toàn quốc.
Tháng 9 năm Giáp Thân (1284) Trần Quốc Tuấn tổ chức duyệt binh ở bến Đông Thăng Long, "Hịch Tướng Sĩ Văn" của Trần Quốc Tuấn đã được soạn và công bố, làm nức lòng quân đội. Nhiều người tự động thích vào cánh tay mình hai chữ "Sát Thát" để bày tỏ quyết tâm giết giặc.
Trần Quốc Tuấn đưa đại quân lên trấn giữ vùng phía Bắc (Lạng Sơn - Hà Bắc), đại bản doanh đóng ở ải Nội Bàng, bố trí canh phòng và sẵn sàng đón đầu đánh giặc.
Tháng 01 năm Ất Dậu (1285), Hốt Tất Liệt cử con trai là Thoát Hoan cầm đầu đại quân Nguyên tấn công vào Đại Việt. Triều đình nhà Trần lại rời kinh thành Thăng Long, tập trung lực lượng về Thiên Trường, rồi bí mật đưa triều đình theo đường biển lánh ra vùng Am Bang lên Vạn Kiếp. Một số vương hầu nhà Trần lục tục ra hàng giặc, trong đó đầu sỏ của kẻ chủ bại là Trần Ích Tắc, em ruột của Thượng Hoàng Thánh Tông. Tới Vạn Kiếp Thượng Hoàng Thánh Tông triệu Trần Quốc Tuấn đến hỏi :
"Nay thế giặc như vậy, trẫm muốn hàng để cứu sinh mạng muôn dân". Trần Quốc Tuấn trả lời rất kiên quyết :"Hãy chém đầu thần trước rồi sẽ hàng ! ".
Ngày 10 tháng 6 năm Ất Dậu (1285), sau khi hạ đồn A Lỗ, các đạo quân của Trần Quốc Tuấn tập kích đánh địch ở Tây Kết, ở sông Như Nguyệt và trận Vạn Kiếp phá tan đại quân Nguyên, tướng giặc Nguyên là Lý Hằng và Lý Quán đều chết tại trận, Thoát Hoan chui đầu vào ống đồng để lính khiêng chạy trốn qua biên giới thoát chết. Cánh quân của Toa Đô từ Thanh Hóa vượt biển tiến ra phía bắc để tìm đại quân Thoát Hoan, nhưng bị quân Trần đón đánh ở Thiên Trường - Thiên Mạc, ngày 24 tháng 6 Toa Đô bị bắt và chém đầu. Ngày 9 tháng 7 triều đình và quân đội nhà Trần đại thắng, trở về Thăng Long.
3/- Kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ ba (1287-1288) :
Ngày 19 tháng 12 năm Đinh Hợi (1287). Tin quân Nguyên phạm đến đất biên giới đưa về triều đình. Vua Trần hỏi Trần Quốc Tuấn về việc đánh giặc. Trần Quốc Tuấn trả lời gọn : "Năm nay, giặc dễ đánh".
Tháng 12, dưới sự thống lĩnh của Thoát Hoan, quân Nguyên lại tràn sang xóm làng Đại Việt bằng đường bộ và đường thủy với lực lượng hùng hậu hơn nhiều lần trước đây, gần 600 chiếc hải thuyền do Ô Mã Nhi chỉ huy, tiến theo đường biển vào sông Bạch Đằng rồi đến Vân Đồn. Hàng vạn quân Vân Nam của giặc Nguyên từ hướng sông Hồng tràn vào kinh thành. Thoát Hoan cầm đại quân chia đường tiến qua cửa ải Lạng Sơn xuống hội quân ở Vạn Kiếp. Thoát Hoan cho xây dựng củng cố vùng này thành căn cứ rồi tiếp tục tiến quân về Thăng Long giao chiến với quân Trần.
Tháng 2 năm Mậu Tý (1288), quân Trần lại bỏ Thăng Long rút về Hàm Nam (Hưng Yên), Thoát Hoan đến chiếm tòa kinh thành bỏ trống, huy động đại quân chia đường thủy bộ đuổi theo quân Trần. Quân Trần rút thẳng ra biển, không giao chiến được với đại quân nhà Trần, Thoát Hon phải lộn về Thăng Long cát cứ.
Bị đánh từ nhiều mặt, những chiến thuyền tải lương của giặc đã bị các cánh quân của Trần Quốc Tuấn đánh tan. Tháng 3, quân giặc phải bỏ Thăng Long rút về Vạn Kiếp. Tháng 4, Thoát Hoan chia quân rút chạy về nước, quân giặc rút chạy theo đường sông Bạch Đằng. Ở đấy ngày 9 tháng 4 năm 1288 chúng đã bị Trần Quốc Tuấn bố trí địa cọc ngầm, kết hợp với quân thủy bộ và dân binh đánh tiêu diệt, thu hơn 400 thuyền bắt sống Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ ... giết chết Trương Ngọc và rất nhiều quân sĩ. Đại quân Thoát Hoan chạy theo đường bộ cũng bị quân Trần chặn đánh liên tiếp từ Vạn Kiếp đến biên giới, tổn thất rất nặng nề. Thoát Hoan cùng đám tàn quân trốn được về nước. Hốt Tất Liệt hạ chỉ đày Thoát Hoan đi Dương Châu suốt đời không cho gặp mặt.
Ngày 28 tháng 4 năm 1288 Vua Trần và triều đình chiến thắng trở về kinh đô Thăng Long.
Tháng 4 năm Kỷ Sửu (1289) Vua Trần nghị triều xét thưởng công trạng đánh dẹp giặc Nguyên, Trần Quốc Tuấn được tiến phong Hưng Đạo Đại Vương, được chép sự tích vào tập "Trùng Hưng thực lục" và cho vẽ tượng để lưu truyền hậu thế.
Tháng 8 năm Canh Tý (1300), Trần Quốc Tuấn mất. Là chủ soái của hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên năm 1285 và 1288, giữ vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến năm 1258, Trần Quốc Tuấn là linh hồn và người có công đầu trong sự nghiệp giữ nước của đời Trần. Là nhà quân sự thiên tài, Trần Quốc Tuấn còn là nhà chính trị lão luyện, hành động thận trọng, chú trọng đoàn kết và bồi dưỡng lực lượng đánh giặc. Lúc sắp mất ông còn dặn vua : "Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc". Có tài biến tác, Trần Quốc Tuấn là người soạn ra các giáo trình nổi tiếng : Hịch tướng sĩ văn, Binh gia diệu lý yếu luận và Vạn Kiếp tông bí truyền thư. Ông là người chăm lo và có công đào tạo nhiều nhân tài văn võ : Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng, Trương Hán Siêu, Trần Thì Kiến...
Sau khi ông mất, vua Trần Nhân Tông ra sắc truy phong đẳng tước cho ông là :
Thái Sư thượng Phụ
Thượng Quốc Công
Hưng Đạo Đại Vương
Trần Quốc Tuấn.
Cuộc đời của Trần Quốc Tuấn là một tấm gương sáng về lòng trung nghĩa, luôn đặt lợi ích của quốc gia lên trên lợi ích của gia tộc. Cha ông là An Sinh Vương Trần Liễu vốn có hiềm khích với Trần Nhân Tông, lúc sắp mất Trần Liễu cầm tay ông mà trăn trối rằng : "Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được". Trần Quốc Tuấn ghi để điều đó trong lòng, nhưng cho là không phải. Đến khi vận nước lung lay, quyền quân, quyên nước đều ở nơi ông, ông đem lời cha dặn nói với gia tướng là Dã Tượng và Yết Kiêu, cả hai gia tướng can ông :"làm thế tuy được phú quý một đời nhưng lại để tiếng xấu ngàn năm !", Trần Quốc Tuấn nghe xong rất cảm động, khen ngợi hai người.
Đại Việt Sử Ký ghi lại câu chuyện : "Một hôm Trần Quốc Tuấn vờ hỏi con ông là Hưng Vũ Vương
- Người xưa có cả thiên hạ để truyền lại cho con cháu, con nghĩ thế nào ? Hưng Vũ Vương trả lời :
- Dẫu khác họ cũng không nên huống chi là cùng một họ.
Trần Quốc Tuấn ngầm cho là phải. Một hôm lại đem chuyện ấy hỏi người con thứ là Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, Quốc Tảng thưa :
- Tống Thái Tổ vốn là người làm ruộng, thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ.
Trần Quốc Tuấn nghe xong giận dữ rút gươm kể tội :
- Tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu này mà ra!
Định giết Quốc Tảng, Hưng Vũ Vương hay tin vội chạy tới khóc lóc, xin chịu tội thay cho em. Trần Quốc Tuấn mới tha. Ông dặn Hưng Vũ Vương
- Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng !
Tấm lòng trung nghĩa của Thái Sư Thượng Phụ Thượng Quốc Công Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn sáng trong như vầng nhật nguyệt, soi tận cho đến mai sau, trở thành khí thiêng muôn đời cho sông núi, cho dân tộc Việt Nam ta. Trong tâm thức của nhân dân ta, Người là bậc Thánh nhân "Sinh vi tướng, tử vi Thần", do đó nhân dân suy tôn Người là "Đức Thánh Trần", "Đức Thánh Cha". Lúc sinh thời Người vì dân, vì nước, khi mất đi Người hiển hách cứu độ chúng sinh. Người cao xa nhưng lại gần gũi, Người vĩ đại nhưng lại giản dị bình thường, tưởng nhớ đến Người, nhân dân lập đền thờ "Đức Thánh Trần" ở nhiều nơi trong cả nước. Trong đó Đền Trần tại Nha Trang là đền thờ duy nhất ở khu vực miền Trung và cũng là nơi tổ chức nhiều cuộc lễ hội về Đức Thánh Trần, đặc biệt là lễ hội chiến thắng Bạch Đằng Giang đã được tổ chức với quy mô và hình thức rất long trọng./-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét