ĐỀN THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN-HƯNG-ĐẠO 124 Đường Nguyễn-Trãi Nha-Trang.

ĐỀN THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN-HƯNG-ĐẠO 124 Đường Nguyễn-Trãi Nha-Trang.
ĐỀN THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN HƯNG-ĐẠO ĐẠI-VƯƠNG - Số 124 Đường Nguyễn-Trãi, Thành Phố Nha-Trang.

Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

Các hình thức tôn vinh danh nhân Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn ở tỉnh Hải Dương

Các hình thức tôn vinh danh nhân Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn ở tỉnh Hải Dương
Dân tộc ta có truyền thống văn hoá lâu đời. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta luôn tôn vinh và biết ơn những anh hùng dân tộc, người có công với đất nước, với cộng đồng bằng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.


Đó là nét đẹp trong văn hóa Việt Nam. Anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn (1228-1300) là một anh hùng kiệt xuất của dân tộc ta có công to lớn trong ba lần quân dân Đại Việt đánh tan quân Nguyên – Mông xâm lược. Với tài thao lược, trí dũng song toàn, Trần Quốc Tuấn đã lãnh đạo quân đội một lòng phá giặc và giành thắng lợi vĩ đại mà tiêu biểu là chiến thắng Bạch Đằng (1288) dẹp tan 50 vạn quân xâm lược, giữ vững nền độc lập của đất nước. Ông luôn đặt lợi ích dân tộc, đất nước làm đầu. Đương thời, ông được Thượng hoàng Trần Thái Tông và vua Trần Nhân Tông sắc phong làm Quốc Công Tiết chế chỉ huy toàn bộ quân dân Đại Việt trong ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông. Sau khi mất, ông được truy tặng Thái Sư Thượng Phụ Quốc Công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương và được nhân dân lập đền thờ ở nhiều nơi để tưởng nhớ công lao to lớn của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Việc tôn vinh thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trở thành đạo lý và  tín ngưỡng dân gian của nhân dân ta. Ngoài ra, trong nhân dân còn tương truyền rằng có thể rước gươm, dùng chỉ ngũ sắc và sự hiển linh của Trần Quốc Tuấn để trừ tà. Điều này được thể hiện bằng các hình thức tôn vinh Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn qua các di tích, dấu tích lịch sử, truyền thuyết về ông. Hiện cả nước có khoảng gần 1.000 di tích thờ Đức Thánh Trần, trong đó Hà Nội trên 100 di tích, Nam Định khoảng 100 di tích, Hà Nam hơn 50 di tích, Thái Bình trên 30 di tích, Hưng Yên khoảng 20 di tích và Hải Dương trên 20 di tích,...
 
Hải Dương vùng đất gắn bó sâu sắc và làm rạng danh sự nghiệp chống giặc ngoại xâm của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Ngoài những di tích, còn có rất nhiều hình thức tôn vinh công lao của Trần Hưng Đạo tại Hải Dương.
 
 
Hiện nay ở Hải Dương có 146 di tích và cụm di tích được xếp hạng quốc gia. Trong số di tích đó có trên 20 di tích thờ Trần Hưng Đạo và liên quan đến Trần Hưng Đạo theo các hình thức khác nhau.
 
Đền Kiếp Bạc từ lâu đã trở thành di tích lịch sử nổi tiếng. Đền Kiếp Bạc nằm trong Khu di tích thuộc xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh. Khu di tích Kiếp Bạc là một quần thể gồm nhiều di tích như: Đền thờ Trần Hưng Đạo, Sinh từ, Dược Sơn, dòng sông Lục Đầu, Bến Bình Than, Cồn Kiếm,... Nơi đây Trần Hưng Đạo đã chọn để lập phủ đệ và quân doanh từ sau cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ lần thứ nhất. Sau kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba, ông sống những năm tháng thanh bình tại Vạn Kiếp cho đến lúc qua đời. Do có cống hiến to lớn cho dân tộc, ngay lúc sinh thời, ông đã được tôn vinh lập đền thờ gọi là Sinh từ. Đến nay đền còn năm pho tượng đồng: Trần Hưng Đạo và Thiên Thành công chúa; Quyên Thanh công chúa; Đệ nhị nữ đại hoàng Anh Nguyên quận chúa; Phạm Ngũ Lão. Bốn cỗ ngai thờ bốn con trai: Trần Quốc Hiếu, Trần Quốc Nghiễn, Trần Quốc Tảng, Trần Quốc Uy. Trong đền, khu vực di tích hiện còn một số đồ thờ, hoành phi, câu đối, bia ký, sắc phong của các triều đại. Trước tam quan có hai hàng chữ lớn: Hàng trên viết: Dữ thiên vô cực (Sự nghiệp này tồn tại mãi mãi với đất trời). Hàng dưới viết: Trần Hưng Đạo vương từ (Đền thờ Trần Hưng Đạo vương).
 
Ngoài ra, một số địa phương lập đền thờ Trần Hưng Đạo như: Đền Vườn ThamĐền Yên, Đền Tòng Thiện huyện Thanh Hà; Đền Cậy, huyện Kinh Môn; Đền Quýt;Đền Phú Nội huyện Kim Thành; Đền Ngụ huyệnThanh Miện; Đền Tam Phủ huyện Cẩm Giàng; Đàn Thiện Phù Tải,Đàn Thiện huyện Thanh Miện; Đền Ông TP. Hải Dương. Ở Hải Dương còn có 4 ngôi chùa Phật phối thờ Trần Hưng Đạo, gồm có: Chùa Thạch Ân huyện Nam Sách; Chùa Dương Đường huyện Thanh Hà; Chùa Nhất Sơn huyện Kinh Môn; Chùa Kẻ Sặt huyện Bình Giang.
 
Ở Hải Dương còn có những cơ sở khác liên quan đến Trần Hưng Đạo. Cụ thể là: Các Nghè Điếmở thành phố Hải Dương thờ Phạm Ngũ Lão;Đình Phúc Xá A huyện Cẩm Giàng thờ Trần Quốc Tảng và Nguyệt Mai công chúa nhà Trần; Đình Cảthuộc huyện Nam Sách thờTrần Quốc Tảng; Đền - Chùa Trung Quê xã Lê lợi, thị xã Chí Linh thờ Thiên Thành công chúa,…
 
 
Người Việt đã thờ Trần Hưng Đạo là một vị anh hùng dân tộc chuyển hoá thành tín ngưỡng thờ Thánh. Nếu như trong chính sử, ông là một vị tướng tài, thì trong tâm thức dân gian, ông được hình dung như một vị thánh - Đức Thánh Trần. Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam. Sự thánh hoá Trần Hưng Đạo là nhu cầu tâm linh, song không huyễn hoặc. Không chỉ có dân gian tôn vinh, phụng thở Ngài là Thánh, mà cả giới bác học, các nhà Nho sĩ bình dân.Đây là một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử văn hoá Việt Nam.
 
Tại Kiếp Bạc, bên cạnh những nghi thức thờ phụng, tế, rước trên sông, còn có hoạt động hầu đồng, hầu bóng. Ở đây, từ lâu đời đã tồn tại hình thức lên đồng thuộc dòng thanh đồng. Trong lễ thức thờ Mẫu, các hoạt động hầu bóng ở lễ hội Đức Thánh Trần đã có tác dụng bảo tồn hình thức diễn xướng dân gian truyền thống như hát chầu văn, múa thiêng mang tư cách loại hình sân khấu tâm linh. Lễ hội Kiếp Bạc hàng năm, đã thành tục lệ thiêng liêng, Tháng Tám giỗ Cha nhân dân cả nước lại nô nức trảy hội về di tích đền Kiếp Bạc tưởng niệm người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.
 
Các cuộc tế lễ, dâng hương tưởng niệm Trần Hưng Đạo đều được cử hành rất nghiêm trang và trọng thể; với các nghi thức và lễ thức vừa linh thiêng kính cẩn, vừa huyền bí. Ở đây có sự kết hợp hài hòa và nhuẫn nhuyễn chặt chẽ của tính truyền thống dân tộc với lòng ngưỡng mộ, suy tôn linh thiêng được dân gian đem lịch sử hóa và thần thoại hóa nhân vật cùng sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc, là cơ sở cội nguồn của lễ hội đền Kiếp Bạc tôn vinh Trần Hưng Đạo. Để tỏ lòng ghi nhớ công lao to lớn, tôn vinh người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, hàng năm các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đã đến dự lễ, thắp hương, tưởng niệm, trồng cây lưu niệm,… Năm 2012, tỉnh Hải Dương đã tổ chức đón nhận Bằng công nhận khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc là di tích quốc gia đặc biệt.
 
Trong một số tác phẩm văn học nghệ thuật như Nam Hải dị nhân của Phan Kế Bính, Việt Điện u linh của Lý Tế Xuyên (Trịnh Đình Ru dịch), Đền Kiếp Bạc và truyền thuyết của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Hưng,... đều viết về danh nhân Trần Hưng Đạo có nhiều huyền thoại, huyền tích với các truyện Phạm Nhan, Thanh kiếm thần, vườn Dược Sơn,... Nội dung miêu tả sự khác thường của Trần Hưng Đạo từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành với tinh thần ca ngợi, thần thánh hóa. Trần Hưng Đạo đã lập nhiều công trạng lớn lao cho đất nước và dân tộc, khiến cho giặc xâm lược lúc sống không dám gọi tên, lúc giặc chết rồi cũng không làm ma quấy rối được. Từ đó, nhân dân ta lập nhiều đền thờ Trần Hưng Đạo vừa là tôn vinh, vừa là tín ngưỡng dân gian gọi ông là Đức Thánh Trần giúp nước bình yên, giúp dân trừ tà chữa bệnh.
 
Các hình thức tôn vinh Trần Hưng Đạo phong phú, đa dạng ở nhiều nơi trong cả nước và có một số hình thức tôn vinh đặc biệt chỉ có ở Hải Dương. Sự tôn vinh đó đã làm nổi bật được chân dung người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo trên đất Hải Dương. Thông qua các hình thức tôn vinh Trần Hưng Đạo góp phần vào việc giáo dục đạo lý làm người, giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc, giáo dục đạo đức, nâng cao ý thức tự hào về lịch sử dân tộc. Đồng thời việc tôn vinh Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trở thành tín ngưỡng dân gian là nét đẹp trong văn hoá của nhân dân ta. Đó là đạo lý làm người biết ơn những người có công với đất nước, với dân tộc và tôn vinh xứng đáng những công lao của các danh nhân./.
 
Nguyễn Năng Hùng
 
Tài liệu tham khảo :
1. Lý Tế Xuyên (Trịnh Đình Ru dịch theo bản A. 751 của Thư viện Khoa học), Xưởng in CTHD Lê Văn Tân Hà Nội năm 1960.
2. Phan Kế Bính, Nam Hải dị nhân, Nxb Trẻ năm 1988.
3. Hội văn học nghệ thuật tỉnh Hải Hưng, Đền Kiếp Bạc và truyền thuyết, năm 1993.


Nguồn : http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/3236/Cac_hinh_thuc_ton_vinh_danh_nhan_Hung_Dao_Dai_Vuong_Tran_Quoc_Tuan_o_tinh_Hai_Duong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét