ĐỀN THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN-HƯNG-ĐẠO 124 Đường Nguyễn-Trãi Nha-Trang.

ĐỀN THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN-HƯNG-ĐẠO 124 Đường Nguyễn-Trãi Nha-Trang.
ĐỀN THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN HƯNG-ĐẠO ĐẠI-VƯƠNG - Số 124 Đường Nguyễn-Trãi, Thành Phố Nha-Trang.

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

GIỚI THIỆU ĐỀN THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN-HƯNG-ĐẠO NHA-TRANG

           Đền Trần Hưng Đạo tại Nha Trang là Đền thờ vọng. Đền được xây dựng nhằm thỏa mãn nhu cầu hướng về cội nguồn của những người con Miền Bắc vào Nha Trang, Khánh Hòa sinh sống từ những năm đầu thế kỷ 20. Lúc đầu Đền được xây dựng tại một khu đất nhỏ ở đường Phan Bội Châu - Phan Đình Phùng Nha-Trang. Sau đó Hội Ái Hữu Bắc Việt Tỉnh Khánh Hòa mà cụ thể là cụ Trần Minh Kính, Nguyễn Văn Nhật đứng ra khởi xướng việc xin đất, quyên tiền để xây lại vọng-từ khang trang hơn hầu xứng với công lao của Đức Trần Hưng Đạo.
           Sau hơn 8 năm ròng vận động, tích lũy kinh phí, ngày 28 tháng 03 năm 1962 Đền được khởi công xây dựng tại Khu Đồng Dưa, phường Phước Hải, Thị Xã Nha Trang, nay là số 124 đường Nguyễn Trãi, phường Phước Tân, Thành phố Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa.
           Trên diện tích rộng chừng hơn 200 m2, nhưng việc xây dựng Đền tại Khu Đồng Dưa này dường như các cụ tính toán rất kỹ lưỡng về thế đất, hường Đền theo luật phong thủy.
           Theo lời các cụ thì Đền được quay mặt về hướng Đông nhằm đón lấy ánh rực rỡ của mặt trời buổi sáng, là hướng của những chiến công hiển hách của Đức Trần Hưng Đạo còn lưu lại cho muôn đời con cháu mai sau và đặc biệt hướng Đông cũng là hướng phát tích của Ngài như hai câu mở trong Trần Thánh Đại Vương bửu cáo :"Đông A Đế trụ, Nam Đảo Tiên tung" tức là "Cột trụ của Đông A, giống trên vùng Nam Đảo". Chọn quay mặt hướng Đông, Đền Trần đã xác định lấy vịnh Nha Trang làm tiền án vậy.
           Còn nhớ những năm 60 của thế kỷ 20, Khu Đồng Dưa hãy còn thưa thớt lắm nhưng khu dân cư đã được định hình và đa phần là công chức gốc Miền Bắc và các tỉnh đàng ngoài vào Nha Trang làm việc và sinh sống và trong số họ có nhiều người là hội viên của Hội Ái Hữu Bắc Việt. Do vậy, chọn khóm dân cư làm hậu chẩm tuy không thật hợp lý về phong thủy song về tâm linh chọn khu dân cư làm điểm tựa thì còn gì tốt bằng. Còn Tả phù, Hữu bậc của Đền Trần chính là Hòn Núi Một và Núi Cảnh Long là hai trong bốn ngọn núi nổi tiếng tạo nên thế đất "Tứ thú tụ" cho Thành phố Nha Trang mà các nhà phong thủy còn gọi là "Kim quy đới tháp" và "Thanh long hý thủy". Chọn được thế đất như vậy trong một đô thị thì phải chờ đến 8 năm thì cũng thật là xứng đáng lắm.
           Là vọng-từ nên thiết kế xây dựng của Đền Trần Hưng Đạo ở Nha Trang có nhiều nét tương đồng với những ngôi Đền cổ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cổng Tam quan được xây ở dạng hình trụ trên có búp sen gồm hai trụ cao và hai trụ thấp nhằm tạo nên cổng chính và hai cổng phụ. Đây là cấu trúc cổng Tam quan đặc thù của các Đền thời Miền Bắc, nó thanh thoát nền nã với gam màu nhạt chứ không màu sắc như các cổng đình, chùa ở các tỉnh phía Nam. Cũng như các đền thờ hay đình chùa, cổng chính của Tam quan chỉ được mở mỗi khi có đại lễ, còn lại những ngày thường kể cả ngày sóc, vọng thì người ta chỉ được đi bằng cổng phụ mà thôi. Nối liên hai trụ chính là tấm biển đề : "Đền Thờ Đức Trần Hưng Đạo" . Thân trụ là câu đối :
          "Thủy trận dụng triều lưu, vi Nam quốc hải quân chi tổ;
          Kim chi tác can lỗ, phá Bắc phương Nguyên khấu chi sư".
          Hai trụ thấp tạo nên cổng phụ phía trái và phải của Tam quan là hai câu đối :
          "Bắc nhạc giáng thần, cứu quốc anh hùng danh vạn kiếp;
          Tý dân phúc trạch, Nam thiên chiêm ngưỡng nhất tân từ".
          Những câu đối trên đều tập trung nói về công lao vĩ đại của Đức Thánh Trần với non sông đất nước và vì vậy được các thế hệ ngày sau tôn vinh và phụng sự. Những câu đối trên phần nào đã nói lên ý nghĩa của ngôi Đền này chỉ là một Vọng-từ của miền đất phương Nam mà thôi.
          Qua khỏi Tam quan là một khoảng sân gạch, chính giữa là tấm bia đặt trước cửa chính điện ghi tóm tắt sự hình thành của ngôi đền như sau :
               DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA
                   ĐỀN TRẦN HƯNG ĐẠO
          Do sáng kiến của Hội Ái Hữu Bắc Việt, sau 8 năm kiên trì vận động, quyên góp đồng bào trong và ngoài Tỉnh Khánh Hòa, ngôi đền đã được xây dựng nhằm ngày 28-03-1962.
          Đây là ngôi đền thờ duy nhất ở Miền Trung Việt Nam vọng thờ ĐỨC HƯNG ĐẠO ĐẠI VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN người anh hùng kiệt xuất đã có công lớn lãnh đạo nhân dân Đại Việt ba lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông vào thế kỷ thứ 13.
          Ngày nay nhân dân Nha Trang vẫn luôn tu bổ, giữ gìn nơi đây cho muôn đời con cháu được đến chiêm ngưỡng, tưởng nhớ và noi theo ân đức của Hưng Đạo Đại Vương để xây dựng quê hương phồn vinh, thịnh vượng.
          Phía mặt sau của tấm bia ghi tên các vị đã có công sáng lập và phát huy di tích lịch sử văn hóa Đền Trần Hưng Đạo Nha Trang gồm các cụ : Trần Minh Kính, Nguyễn Văn Nhật, Nguyễn Đức Giản, Nguyễn Văn Nhâm, Hoàng Văn Thọ, Nguyễn Văn Thiện, Đặng Hữu Cừ, Lê Thị Mùi.
          Bia được xây dựng vào dịp Đền được Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Khánh Hòa ra quyết định công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh ngày 11-04-1997. Về hình thức và vị trí của tấm bia chúng ta có thể hiểu rằng tấm bia này đang làm nhiệm vụ của bức Án phong của Đền Trần - Nha Trang vậy.
Phía sau tấm bia và ngay vị đối diện của chính điện là một đỉnh trầm lớn cao gần l mét, dùng để thắp hương và cũng là nơi đón nhận đuốc thiêng được rước từ Tượng đài Trần Hưng Đạo về đây trong Lễ hội Chiến Thắng Bạch Đằng Giang - Lễ hội Ngày Thánh Hóa được tổ chức long trọng hàng năm. Và cũng ở vị trí trung tâm của sân đền là cột cờ có chữ "TRẦN" sắc nét, như khẳng định với trời xanh sự bất tử của Người trong lòng dân tộc Việt.
          Ở góc sân phía trái (từ ngoài nhìn vào) là ngôi Thủ kỳ thờ Thổ Thần và Âm linh luôn được khói hương chăm sóc.
          Nhìn chung tuy bị hạn chế bởi không gian và diện tích, song phần cấu trúc bên ngoài Đền Trần Hưng Đạo - Nha Trang là hết sức bài bản như bất cứ ngôi đền nào có điều kiện. Cũng cần nói thêm rằng, mỗi khi có đại lễ thì khoảng sân này và cả lề đường trước điện được sử dụng là nơi hành lễ theo quan niệm không gian mở chứ không hoàn toàn bị gò bó tại nơi chính điện.
          Điện thờ Đức Thánh Trần là gian nhà mái ngói uốn cong hình đầu đao vuốt nhẹ tạo nên sự mềm mại, uyển chuyển như nhiều ngôi đền, chùa mà ta thường thấy. Trên đỉnh đền hình tượng "Lưỡng Long triều nhật" được làm bắng sứ men màu lam pha lục. Đền chia làm ba gian hai chái. Chái Đông là nơi làm việc của Ban quản lý Đền, chái Tây là nơi để dành đãi khách khi có lễ lạt. Ba gian giữa được thiết kế nền cao hơn hai chái chừng nữa mét và cũng chính là chính điện của ngôi đền.
          Nhìn chung cấu trúc của chính điện Đền Trần   - Nha Trang có nhiều nét tương đồng với Đền Trần ở Cố Trạch - Nam Định. Mặt tiền của đền là hai bức hoành phi đắp nổi đề "Trần Triều Hiển Thánh Vọng Từ" và hai câu đối :
          "Bắc Hà thiếp kình ba, vạn cổ Đằng Giang lưu vĩ tích,
          Việt Nam an nhạn trạch, thiên thu Nha Hải ngật linh từ".
          Câu đối ở hai trụ bên là :
          "Lưỡng hồi xã tắc, tương tướng xuất kim hoàng, quốc sử huân danh truyền Bách Việt ;
          Vạn kiếp anhlinh, Uông Sơn dư kiếm khí, binh gia thao lược túc thiên thu".
          Nếu các câu đối ở cổng Tam quan cho ta biết đây là Vọng từ thờ Trần Hưng Đạo ở phương Nam thì đến câu đối ở mặt tiền chính điện đã nói rõ Đền thờ này là ở Nha Trang. (Thiên thu Nha Hải ngật linh từ).

         

            

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét