ĐỀN THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN-HƯNG-ĐẠO 124 Đường Nguyễn-Trãi Nha-Trang.

ĐỀN THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN-HƯNG-ĐẠO 124 Đường Nguyễn-Trãi Nha-Trang.
ĐỀN THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN HƯNG-ĐẠO ĐẠI-VƯƠNG - Số 124 Đường Nguyễn-Trãi, Thành Phố Nha-Trang.

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

BẢN DỊCH CÁC CÂU ĐỐI - HOÀNH PHI

     Tại Đền Trần Hưng Đạo - Nha Trang có một số câu đối và hoành phi được bố trí ở các khu vực trong và ngoài chánh điện. Những câu đối này khái quát cả cuộc đời và công đức của Đức Trần Hưng Đạo; bày tỏ lòng biết ơn sâu xa của chúng đệ tử đối với Người.
     Chúng tôi xin phép được dịch các hoành phi câu đối này hầu góp phần làm rõ thêm về tục thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo của nhân dân Nha Trang - Khánh Hòa. (Bản dịch theo thứ tự từ ngoài vào trong).
     I/- CỔNG TAM QUAN :
     CÂU 1 : (câu đối tại cổng tam quan)
     Nguyên âm :
     Thủy trận dụng triều lưu vi Nam Quốc Hải quân chi tổ ;
     Kim chi tác can lỗ phá Bắc phương Nguyên khấu chi sư.

     Nghĩa là :
     Dùng nước triều lập trận phá ngoại xâm, đời sau tôn thành "Hải quân chi tổ" ;
     Lấy cây rừng vót thành cọc nhọn, diệt quân Nguyên mưu ấy quả bậc Thầy.

     CÂU 2 : (câu đối ở 2 cổng phụ)
     Nguyên âm :
     Bắc nhạc giáng Thần cứu quốc anh hùng danh vạn kiếp (1);
     Nam thiên hiển Thánh tý dân công đức tự thiên niên.

     Nghĩa là :
     Núi Bắc giáng Thần, muôn kiếp lưu danh người anh hùng cứu nước ;
     Trời Nam hiển Thánh, ngàn năm thờ phụng bậc công đức che dân.

     Chú thích : (1) Vạn kiếp : Vừa có nghĩa là muôn đời, muôn kiếp đồng thời lại nhắc đến tên của nơi Đức Trần Hưng Đạo trở về.

     CÂU 3 : (câu đối phụ ở góc tường rào)
     Nguyên âm :
     Cứu quốc công huân Bắc địa uy linh thiên cổ miếu ;
     Tý dân phúc trạch Nam thiên chiêm ngưỡng nhất tân từ.

      Nghĩa là :
      Cứu nước công lao to lớn, miếu cũ ngàn năm đất Bắc rạng uy danh ;
      Che dân phúc trạch vô cùng, đền mới một tòa trời Nam đồng chiêm ngưỡng.

      II/- MẶT TIỀN CỦA CHÁNH ĐIỆN :
      CÂU 1 : (câu đối chính giữa mặt tiền)
      Nguyên âm :
      Bắc Hà thiếp kình ba vạn cổ Đằng Giang lưu vĩ tích ;
      Việt Nam an nhạn trạch thiên thu Nha Hải ngật linh từ.

      Nghĩa là :
      Bắc Hà phục kình ngư bình sóng cả, kỳ tích Bạch Đằng muôn thửa lưu danh ;
      Việt Nam yên cánh nhạn trở về xuôi, linh từ Nha Trang ngàn năm sừng sững.

      CÂU 2 :
      Nguyên âm :
      Lưỡng hồi xã tắc tương tướng xuất kim hoàng (1), quốc sử huân danh truyền Bách Việt ;
      Vạn kiếp anh linh Uông Sơn dư kiếm khí (2), binh gia thao lược túc thiên thu.

      Nghĩa là : 
      Hai lần vì xã tắc, "Tương tướng xuất kim hoàng", công lao ấy sử sách nước Nam tạc đá lưu danh truyền Bách Việt ;
      Vạn kiếp rạng uy linh, "Uông Sơn dư kiếm khí", tài năng kia thao lược binh gia đủ cho đất nước vững muôn đời.

      Chú thích :
      (1) Tương tướng xuất kim hoàng : "Tương tướng" là chỉ chức quan tối cao trong triều đình ngày xưa. "Kim hoàng" là cái ao vàng dùng để chứa nước. Ý của toàn câu này muốn nói vì nước nhà mà ngài đã không tiếc tấm thân vàng ngọc của mình để trực tiếp cầm quân ra chiến trận.
      (2) Uông sơn dư kiếm khí : "Uông sơn" là tên một địa danh thuộc Tỉnh Quảng Ninh ngày nay, nơi có một khúc sông Bạch Đằng chảy qua, cũng là nơi xưa kia Trần Hưng Đạo đóng đại bản doanh để điều khiển trận đánh Bạch Đằng. Cả câu này muốn ca ngợi sự dũng mãnh và tài năng tuyệt vời của Đức Quốc Công Tiết Chế Trần Hưng Đạo trong việc điều quân khiển tướng làm nên chiến thắng Bạch Đằng Giang năm Mậu Tuất (1288).

      III/- TRONG ĐIỆN :
      CÂU 1 : (bức hoành phi trước điện)
      Nguyên âm :
      Vạn Kiếp sơn cao

      Nghĩa là :
      Vạn Kiếp núi cao
      (còn có thể hiểu là muôn kiếp núi cao)

      CÂU 2 : (câu đối trước Hậu cung)
      Nguyên âm :
      Hồng Hà tú khí chung (1) đại tướng bảo bang do nhiệt huyết ;
      Bạch Đằng oai phong lẫm (2) địch quân quy quốc thượng hàn tâm.

      Nghĩa là :
      Hồng Hà tú khí chung linh, bảo vệ non sông Đại tướng sục sôi dòng máu đỏ ;
      Bạch Đằng oai phong lẫm liệt, cuốn vó về quê địch quân lẩy bẩy trái tim đen.

      Chú thích :
      (1) Người xưa khi viết câu đối này đã chủ ý bỏ đi một từ nhằm tạo nên vế đối 12 chữ. Câu đủ là "Hồng Hà tú khí chung linh" có nghĩa là vùng châu thổ sông Hồng là nơi có nhiều vượng khí đã hun đúc nên những nhân kiệt cho đời.
      (2) Câu đủ là "Bạch Đằng oai phong lẫm liệt" ý muốn nói đến thế dũng mãnh của quân ta trong trận chiến Bạch Đằng Giang.

      CÂU 3 : (câu đối ở hai bên Hậu cung)
      Nguyên âm :
      Nam nhạc (3) giáng Thần vạn cổ anh phong chung tú khí ;
      Đông A (4) hiển Thánh ức niên hương hỏa trạc linh thanh.

      Nghĩa là :
      Giáng Thần ở núi Nam, muôn thửa anh phong như chuông ngân lung linh thoát tục ;
      Hiển Thánh tại thời Trần, ức năm hương hỏa mãi chói ngời tiếng vọng anh linh.

      Chú thích :
      (3) và (4) : Nam nhạc : Ở câu đối ngoài mặt tiền của chánh điện có dùng chữ "Bắc nhạc giáng Thần" để đối với vế hai là "Nam thiên hiển Thánh". Trong trường hợp đó ta hiểu rằng Bắc nhạc có nghĩa là núi ở Miền Bắc Việt Nam và Nam thiên có nghĩa là trời của phương Nam Việt Nam. Nay lại dùng chữ "Nam nhạc giáng Thần" chúng ta nên hiểu Nam nhạc này là núi của Việt Nam. Để đối lại vế "Đông A hiển Thánh" tức là hiển Thánh tại thời Trần. Vế đối này lấy không gian để đối với thời gian khác với câu đối trên là lấy không gian đối với không gian./-
      
 Người dịch : Hình Phước Liên.


     

1 nhận xét:

  1. Hoành Phi Câu Đối này hầu góp phần làm rõ thêm về tục thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo của nhân dân Nha Trang - Khánh Hòa

    Trả lờiXóa